>> Trái phiếu doanh nghiệp: "Vướng mắc" từ Nghị định 65/2022

Thống kê mới đây cho thấy, ước tính tổng nguồn vốn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đã huy động (vay nợ) qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến nay lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó, nợ đến hạn trong những tháng cuối năm nay khoảng 65.700 tỷ đồng, áp lực trả nợ trong giai đoạn 2023 - 2025 rất lớn.

thị trường TPDN đóng băng tạm thời khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức phát hành khó khăn - Ảnh minh họa: BTT

Thị trường TPDN "đóng băng" tạm thời khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức phát hành khó khăn - Ảnh minh họa: BTT

Được cho là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra không ít vấn đề tiêu cực khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút, thị trường TPDN "đóng băng" tạm thời khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức phát hành khó khăn. Lúc này, rất cần những giải pháp “phá băng” kịp thời để lấy lại niềm tin thị trường.

Từ thực tế đã nêu, theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngắn hạn, giải pháp trước mắt cho thị trường trái phiếu là làm sao giải tỏa áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp phát hành. Theo đó, các giải pháp như: mua lại, hay chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu…, thậm chí đối với các doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh buộc phải có kế hoạch tái cấu trúc, bán bớt tài sản…

Thông tin với báo chí, TS. Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, phải phân loại từng nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong đó, doanh nghiệp nào tự xử lý được dự án để cân đối được dòng tiền trả nợ trái phiếu thì doanh nghiệp tự lo.

“Với nhóm gặp vướng mắc trong chuyển nhượng dự án, hoặc vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện dự án thì Chính phủ cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này chuyển nhượng dự án, hoặc chính sách pháp lý để các doanh nghiệp này hoàn thiện dự án và tạo dòng tiền”, TS. Hòe bày tỏ.

>> Lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ nới room tín dụng và hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh yếu tố tâm lý thị trường, một số ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự “đóng băng” của thị trường TPDN thời gian vừa qua, xuất phát từ sự thắt chặt của chính sách

Bên cạnh yếu tố tâm lý thị trường, nguyên nhân dẫn đến sự “đóng băng” của thị trường TPDN thời gian qua, được cho xuất phát từ sự thắt chặt của chính sách - Ảnh minh họa: ĐCS

Bên cạnh yếu tố tâm lý thị trường, một số ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự “đóng băng” của thị trường TPDN thời gian vừa qua, xuất phát từ sự thắt chặt của chính sách.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, ngoài yếu tố tâm lý thị trường thì những thay đổi trong chính sách phát hành TPDN riêng lẻ thời gian qua đã khiến giá trị phát hành TPDN giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Vị chuyên gia này cho rằng, Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ quy định về điều kiện phát hành và điều kiện với nhà đầu tư khá lỏng lẻo. Vì vậy, thị trường TPDN riêng lẻ tăng trưởng nóng, giá trị phát hành tăng rất nhanh, đến khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm trên thị trường, tiến hành xử lý thì lại có ngộ nhận TPDN là tội đồ. Điều này không đúng vì TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn bền vững của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định 65/2022 ngày 16/9/2022 lại phanh quá gấp theo hướng siết cả đầu ra, đầu vào với TPDN. Việc này là cần thiết vì cần đánh giá, dự án nào không đủ điều kiện thì không được phát hành TPDN để huy động vốn. Nhưng lại siết luôn cả đầu ra của TPDN khiến thị trường “đóng băng” như thời gian qua.

“Nghị định 65/2022 quy định nhà đầu tư trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, phải có giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đạt 2 tỷ đồng trong sáu tháng liên tiếp; mệnh giá TPDN nhỏ nhất cũng được nâng lên mức 100 triệu đồng/trái phiếu (trước chỉ có 100.000 đồng/trái phiếu), như vậy là hạn chế người mua. Để khơi thông vốn trên thị trường cần sớm sửa đổi quy định này”, ông Châu đề xuất.

Thực tế, theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng của năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.

Trước thực tế đã nêu, để khơi thông nguồn vốn cho thị trường TPDN, thông tin với báo chí, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN thời gian vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các điểm mới trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để hỗ trợ các đơn vị liên quan, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm tham gia.

“Cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ khi phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ hơn và dòng vốn tín dụng không dồi dào”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Cùng với những giải pháp đã nêu, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới, minh bạch thông tin cung cấp đến các nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân… Những yếu tố này giúp nhà đầu tư nhận diện các rủi ro của thị trường, có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro, từ đó, tránh những hệ lụy không đáng có.