Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, chỉ tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch đối với đất nước 100 triệu dân như Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng.

Xuất khẩu nông sản gặp khó tại nhiều thị trường do dịch COVID-19.

Xuất khẩu nông sản gặp khó tại nhiều thị trường do dịch COVID-19, đặc biệt là thị trường chủ lực Trung Quốc.

Đảm bảo đạt mục tiêu về lương thực, thực phẩm

Bộ trưởng Cường cho biết, mục tiêu an ninh lương thực năm nay xây dựng kế hoạch 43,5 triệu tấn lương thực. Để làm được điều này đáp ứng nhu cầu 100 triệu dân, các nhu cầu trong nước và có sản lượng xuất khẩu khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Trong khi đó, lĩnh vực này đang chịu tác động của dịch bệnh và biến động khí hậu, thách thức của sâu bệnh.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2020, ngành nông nghiệp đã tổ chức xong vụ đông xuân. Sản lượng đạt khoảng 13 triệu tấn, đảm bảo đúng mục tiêu kế hoạch, thậm chí vượt một chút mặc dù hạn mặn và khô hạn.

Vụ đông xuân hiện còn 1,1 triệu ha gồm 31 tỉnh từ Huế trở ra phía bắc. "Chúng tôi tin tưởng 31 tỉnh này cũng có vụ xuân thắng lợi, cơ bản tốt trong tình hình hiện nay", Bộ trưởng đánh giá.

Với kết quả đạt được về vấn đề thực phẩm, Bộ trưởng dự báo từ nay đến cuối năm đảm bảo đạt.

Về chỉ tiêu xuất khẩu, 3 tháng mới đạt 9 tỷ USD, bằng với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận sự cố gắng của các địa phương, Bộ trưởng đề nghị cần tập trung thị trường Trung Quốc, tăng cường nhu cầu nội địa. Với đà quyết tâm cao, Bộ trưởng khẳng định sẽ đạt kết quả tích cực.

Phát triển thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu 

Trong khi đó, cho ý kiến về thúc đẩy sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản để duy trì xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: "Với các thị trường đang ổn định thì chúng ta tiếp tục khai thác và phát huy, ví dụ như thị trường Trung Quốc, mặc dù có những khó khăn mới phát sinh, nhưng Bộ Công Thương cũng bám rất sát để cùng với Bộ NN&PTNT, các địa phương để thúc đẩy hoạt động thương mại nông sản để duy trì xuất khẩu".

Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, thị trường rất quan trọng với nhiều ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông thủy sản, Bộ Công Thương cho biết đang tập trung xử lý tồn đọng, một số địa phương cũng đang gặp khó khăn do mặt hàng nông thủy sản bị ách tắc đầu ra tại biên giới do Trung Quốc siết chặt cửa khẩu.

Bộ Công Thương đã chủ động làm việc cùng Đại sứ quán Trung Quốc, và chính quyền các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam để tháo gỡ khó khăn. Phối hợp với Bộ NN&PTNT điều tiết hàng hóa đưa lên cửa khẩu, tránh ùn ứ, lãng phí hàng hóa nếu bị tồn đọng.

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, Lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, khó khăn do COVID-19 mang lại cũng tạo thời cơ cơ cấu lại các ngành hàng, chuẩn bị cho việc đảm bảo tham gia các chuỗi cung ứng mới bển vững hơn, hiệu quả hơn.

Với thị trường trong nước cũng phải có những giải pháp hỗ trợ để tạo tâm lý ổn định, thúc đẩy cầu trong nước phát triển, khai thác cơ hội mới của thương mại điện tử, cũng như hình thức mới để kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục vụ tốt thị trường 100 triệu dân.

Cùng với đó, triển khai những thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Asean… đây đều là những thị trường tiềm năng cho Việt Nam trong khôi phục lại xuất khẩu và phát triển trong hội nhập.

Do vậy, bên cạnh tháo gỡ khó khăn của thị trường Mỹ, còn liên quan đến một loạt các giải pháp lớn và Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo. Liên quan đến thị trường EU, nhằm đảm bảo phê chuẩn và thực thi Hiệp định, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam phải thực hiện và phát huy tốt FTA này, đồng thời dự báo, quý III và quý IV/2020 sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội với thị trường EU.

Kiến nghị cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình kiến nghị Thủ tướng cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020, nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại  do vi phạm hợp đồng và giữ ổn định giá lúa trên thị trường.