Di sản sẽ là yếu tố thu hút được lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với địa phương.

Di sản sẽ là yếu tố thu hút được lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với địa phương.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là chiến lược hợp lý để giải quyết vấn đề này.

Di sản văn hóa của Quảng Nam là nguồn tài nguyên quan trọng tạo nền tảng cung cấp cho ngành du lịch những giá trị, thương hiệu để thu hút lượng lớn du khách tìm đến. Tuy nhiên, việc khách du lịch đến di sản quá đông cũng sẽ tạo ra nhiều yếu tố cực đoan về môi trường, xâm hại di tích, biến đổi đời sống cư dân.

Không xem di sản là “gà đẻ trứng vàng”

Tỉnh Quảng Nam là địa phương may mắn được UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Các địa danh di sản này đã mang lại giá trị to lớn cho ngành du lịch, qua đó thu hút được sự quan tâm rất lớn của khách quốc tế cũng như nội địa.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều khách du lịch đến di sản cũng đang tạo nên áp lực cho 2 di sản trên. Vì vậy, việc tạo thêm những sản phẩm mới kết hợp với di sản, tạo nên chuỗi giá trị du lịch tuần hoàn để giảm tải, gìn giữ điểm đến hài hòa giữa phát triển và bảo tồn là một vấn đề vô cùng cấp thiết.

Ông Peter Debrine, Cố vấn cấp cao về du lịch bền vững - Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO cho rằng, hệ thống di sản của Quảng Nam được cả thế giới biết đến, nhưng địa phương không nên xem di sản là “con gà đẻ trứng vàng”. Việc phát triển du lịch cần nằm trong tổng thể xã hội, coi văn hóa là nền tảng để tạo sức lan tỏa, vừa bảo tồn vừa phát triển mới là điều cần thiết.

“Cần đặt vai trò cộng đồng địa phương nằm trong trọng tâm du lịch, tăng điều kiện sống và làm việc của người dân. UNESCO hành động như những người giám sát, đưa ra khuyến nghị, bất kỳ hoạt động nào gắn liền với di sản cũng cần được có ý kiến khuyến nghị của UNESCO. Mặt khác các điểm đến không nên cho xây dựng quá nhiều”, ông Peter Debrine khuyến nghị.

Thực tế, các điểm đến là khu di sản có lượng khách tham quan rất đông thế nhưng việc du khách đến đông ở một thời điểm chỉ là hình thức du lịch tức thời, "du lịch selfie" (tự chụp ảnh) chứ không thật sự tạo ra nhiều giá trị. Vì vậy ông Peter Debrine đề xuất xây dựng các tour du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khuyến khích mọi người đi du lịch tận hưởng không khí, ra ngoài trời nhiều hơn. Muốn làm được điều này thì phải ưu tiên đầu tư cho văn hóa, cho di sản. Các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ việc khai thác công nghệ, kết hợp với các đối tác truyền thông để quảng bá hình ảnh điểm đến, trong đó lấy du lịch xanh làm thương hiệu.

Song hành giữa bảo tồn và phát triển

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho rằng, việc hình thành thêm nhiều các sản phẩm du lịch về phía Tây và phía Nam là cần thiết giảm tải và bảo tồn di sản. Tuy nhiên, theo ông Thanh để nói về việc giảm tải cho di sản cần có những khảo sát, đánh giá của các bên liên quan là người dân, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh, Nhà nước,...

“Nếu qua kết quả đánh giá, chúng ta nhận thấy vấn đề khi khách đến đông mà đem đến ảnh hưởng cho các bên, nếu có chủ thể hưởng lợi mà thu nhập của ngân sách, doanh nghiệp lại thấp hơn thì chúng ta sẽ nhận ra bài học kinh nghiệm đưa ra các giải pháp cụ thể. Còn lại việc xây dựng các sản phẩm mới sẽ mang lại các hiệu ứng tốt cho du lịch xanh, trong đó là các sản phẩm về đêm”, ông Phan Xuân Thanh nói.

Vấn đề giảm tải cho các khu di sản văn hóa đã được nhiều địa phương có di sản nhận ra. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc biệt là nơi có nhiều di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa, lịch sử. Quảng Nam đã nhận ra, việc phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng “xanh hóa” là rất cần thiết. Chính vì vậy, Quảng Nam đã có chủ trương và định hướng phát triển du lịch Quảng Nam là “phát triển đề bảo tồn, bảo tồn để phát triển”.

“Với chủ trương và định hướng đó, Quảng Nam đã và đang tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường”, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.