>> Cấm bán sách tham khảo trong nhà trường được không?

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Đó là Chỉ đạo mang tính chất của sự lắng nghe, thấu hiểu khi mà câu chuyện giá sách giáo khoa tăng cao đã là tâm điểm của dư luận trong thời gian qua, làm “nóng” cả nghị trường Quốc hội.

Giá sách giáo khoa nhận được sự quan tâm của dư luận khi cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Giá sách giáo khoa nhận được sự quan tâm của dư luận khi cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Khách quan mà nói, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai. Chẳng hạn, chuyện giá sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới triển khai vào năm học 2022-2023 đều có giá cao hơn 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành…

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ sách giáo khoa lớp 7 có giá từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ sách giáo khoa lớp 10 có giá từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lý giải, sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn, khổ sách 19x26,5cm.

Hiện tại, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn ngoài đượ miễn giảm học phí, còn được hỗ trợ chi phí học tập. Khi nhà trường chi trả khoản hỗ trợ, thường phụ huynh sẽ dùng số tiền này để trả cho nhà trường tiền sách giáo khoa đã đăng ký mua đầu năm.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá sách giáo khoa năm học tới thực sự sẽ làm khó nhiều học sinh và phụ huynh nhất là các gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi và vùng kinh tế còn nhiều khó khăn.

Thực tế, với gia đình có điều kiện, việc bỏ ra một khoản tiền để mua sách giáo khoa không phải quá khó khăn, nhưng với những gia đình ở vùng núi, đông con, để các em được đến trường đã rất khó, giá sách tăng lại càng đè nặng lên đôi vai của phụ huynh.

Sách giáo khoa mới lớp 3 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cùng Chân trời sáng tạo đều cao hơn bộ hiện hành. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Sách giáo khoa mới lớp 3 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cùng Chân trời sáng tạo đều cao hơn bộ hiện hành. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam. 

>> Tăng học phí, giảm niềm tin

>> Lựa chọn sách giáo khoa: Lo ngại như vụ... Việt Á

>> Sách giáo khoa và tiến sĩ

Mặc dù, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích rõ, việc so sách giá sách mới với sách ở chương trình cũ là khập khiễng, bởi thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản tự chi tiền ở tất cả các khâu và sách cũng được nâng chất lượng hơn… nhưng vẫn không thể hạ “nóng” cho dư luận.

Với dư luận, chất lượng giấy tốt hơn nhưng dùng một lần thì để làm gì? Khổ lớn hơn để làm gì khi nhìn các con mang cặp không nổi? Tức là, phụ huynh muốn chất lượng giảng dạy, đào tạo con em tăng lên chứ không phải tăng chất lượng hình thức sách giáo khoa. Người dân sẽ chấp nhận giá sách mới tăng hơn nhiều lần so với giá sách cũ khi nội dung của nó vượt trội tương xứng.

Cá nhân người viết băn khoăn, khi mà giá trị sách giáo khoa đắt hay rẻ là do chúng ta căn cứ từ vẻ bề ngoài của cuốn sách to hơn, dày hơn, đẹp hơn... và xem chúng như một công cụ để định giá thì có đi ngược lại với quan điểm bấy lâu nay chúng ta giáo dục học sinh đánh giá con người về phẩm chất, thay vì đánh giá qua vẻ bề ngoài. Ngoài ra, tăng giá trước mắt là ảnh hưởng đến kinh tế cho những gia đình có con em đến trường, nhưng nhìn xa hơn đây là lãng phí rất lớn cho xã hội.

Thậm chí, từ những sai sót và giá cả của sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) tại phiên thảo luận của Quốc hội về chương trình giám sát năm 2023 vào chiều ngày 23/5, đã có câu hỏi đặt ra: Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?

Còn nhớ, cách đây 3 năm, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã trình vấn đề này, sau đó, có báo cáo gửi các cơ quan Bộ ngành, khảo sát giá. Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính mới có đề xuất tăng cường quản lý giá, đó là ý kiến xuất phát từ khảo sát.

Vấn đề thực hiện hơi chậm, bây giờ, cần trả lời sớm cho dư luận. Để lâu, đúng - sai đều có sự hoài nghi trong đó. Khi ý kiến cử tri nhân dân đã chính đáng, phải rốt ráo giải quyết chứ nếu kéo dài là không tốt.

Chính vì vậy, từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải giải quyết ngay vấn đề quản lý Nhà nước về giá sách, phải giải quyết ngay. Điều cốt lõi vẫn là làm thế nào để quản lý giá chặt chẽ, Nhà nước phải quản lý giá chặt chẽ, phải định giá, thậm chí phải hỗ trợ giá, đảm bảo công khai minh bạch về giá sách giáo khoa.

Phải làm sao đảm bảo đây là một dịch vụ thiết yếu, cần phải có quản lý, giá cả phải hợp lý, không thể chỉ vì lợi nhuận của một ai đó mà nâng giá sách giáo khoa lên được.