Trao đổi với DĐDN, TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế nhận định: dù có nhiều ý kiến trong việc áp dụng lộ trình giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, nhưng đây vẫn là chính sách bứt phá chưa từng có để kiểm soát lạm phát.

Ông Ánh khẳng định: chính sách giảm VAT có độ bao phủ và tác động khá lớn đến thị trường nên khi thực hiện đang còn nhiều bất cập, thắc mắc là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng kéo dài do dịch bệnh gây ra, Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ về kinh tế và an sinh xã hội nhưng mới chủ yếu tập trung vào ưu đãi giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà chưa đề cập tới thuế gián thu, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng (VAT).

- Như ông nói, việc thực thi đang gặp nhiều bất cập, vì sao ông vẫn chia sẻ kỳ vọng với chính sách này?

Tôi vẫn khẳng định rằng, việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% như một mũi tên trúng nhiều đích, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp chính là người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, chính sách này có tác dụng tích cực đến sự phục hồi của tất cả doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng quy mô. Hơn nữa, thuế giảm sẽ khiến giá đầu vào của nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất và dịch vụ cũng giảm, khiến giá thành sản phẩm bán ra thấp hơn trước.

Với việc được giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào, người bán có điều kiện để không phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Trong khi đó, với người tiêu dùng, vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm bị giảm việc giảm thuế sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân.

Ở góc độ vĩ mô, tôi muốn nhấn mạnh đến sức ép lạm phát năm 2022. Tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hoặc Châu Âu, lạm phát đang ghi nhận ở mức kỷ lục. Tại Việt Nam, với độ mở kinh tế lên đến 200% GDP, nhập khẩu lạm phát chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta.

Theo đó, sức cầu tiêu dùng gia tăng cùng với sự phục hồi kinh tế từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chính là yếu tố tác động tích cực đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Có thể nói, các đối tượng được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc giảm thuế giá trị gia tăng là rất rộng và bao phủ toàn bộ nền kinh tế. Do đó, hiệu ứng của chính sách này sẽ vô cùng rõ rệt.

p/Áp lực lạm phát với Việt Nam sẽ tăng lên vào năm 2022.

Áp lực lạm phát với Việt Nam sẽ tăng lên vào năm 2022.

- Với việc triển khai đồng bộ và hiệu quả chính sách này, ông có dự báo ra sao về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Trong năm 2022, yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, để đạt được mức độ tăng trưởng như kỳ vọng, ba trụ cột kinh tế cần phải đảm bảo đó là tổng cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư công.

Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được mức độ tăng trưởng 6 – 6,5% như Quốc hội, Chính phủ đã đề ra và thậm chí có thể cao hơn nếu chúng ta vẫn có thể duy trì tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, việc “mạnh dạn” giảm thuế giá trị gia tăng cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Bên cạnh đó, cần triển khai các nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh thực hiện và triển khai các dự án đầu tư công,…

Mặt khác, nếu sự phục hồi chưa được như kỳ vọng, chúng ta vẫn có thể xem xét “mạnh dạn” hơn nữa, giảm thêm từ 1 - 2 % thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy hơn nữa tổng cầu tiêu dùng trong nước phục hồi.

- Nhưng như ông phân tích, chính sách tài khóa này sẽ kích thích tiêu dùng, ông dự báo ra sao về mức độ lạm phát bình quân trong năm 2022?

Tôi cho rằng kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu tác động của ít nhất ba nhóm yếu tố chính.

Thứ nhất, chúng ta cần đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai các gói hỗ trợ có quy mô lớn, đặc biệt là gói đầu tư công liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, chúng ta cần kiểm soát và hạn chế các tác động tiêu cực của nhập khẩu lạm phát trong bối cảnh giá xuất nhập khẩu tăng nhanh, và cụ thể là biến động về giá các nguyên vật liệu cơ bản, trong đó có giá dầu thô. Yếu tố này gắn với chính sách tỉ giá hối đoái và các biện pháp quản lý thị trường.

Thứ ba, liên quan đến sự phục hồi tổng cầu tiêu dùng trong nước. Có thể nói, lạm phát dưới 2% là hệ quả tất yếu của tổng cầu tiêu dùng trong nước yếu. Do đó, thúc đẩy tổng cung sẽ giúp giảm áp lực lạm phát.

Do đó, với những chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát dựa vào ba yếu tố trên, tôi tin rằng, chúng ta có nhiều khả năng vẫn giữ được mức độ kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.

- Xin cảm ơn ông!