Cổ đông nhỏ, lẻ là những người sở hữu tỷ lệ cổ phiếu thấp tại doanh nghiệp. Đây thường là những đối tượng, nếu riêng lẻ, sẽ không có tiếng nói vì gần như không thực quyền kiểm soát lợi ích tại doanh nghiệp.

Nỗi khổ cổ đông nhỏ lẻ

Trong một vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã triển khai tổ chức ĐHCĐ với việc ấn định tỷ lệ sở phiếu cổ phiếu tối thiểu để cổ đông đủ tư cách được tham dự. Không có chuyện cổ đông sở hữu 1 cổ phần cũng có mặt tham dự và có 1 phiếu biểu quyết như trước. Mùa kinh doanh khó khăn do COVID-19, phần lớn các doanh nghiệp đều đồng loạt thắt lưng buộc bụng thì "quy tắc bất thành văn" này dường như còn được áp dụng thành thông lệ phổ biến. Thế nên, cũng hạn chế được phần nào tình trạng  một số các thành phần hóng tin hoặc các brokers tự do, hay một số cá nhân đi xem ĐHCĐ để nhận quà tặng...

Mùa ĐHCĐ 2020 cũng chứng kiến nhiều cung bậc, cười ra nước mắt của cả cổ đông và doanh nghiệp. Ảnh: ĐHCĐ của Sacombank năm nào cũng thu hút được nhiều cổ đông trung thành tham dự (nguồn ảnh: STB)

ĐHCĐ của Sacombank năm nào cũng thu hút được nhiều cổ đông trung thành tham dự (nguồn ảnh: STB)

Còn nhớ vẻ mặt đau khổ của một nữ doanh nhân đồng cổ đông sáng lập một doanh nghiệp đại chúng lớn khi lý giải việc phải áp cổ đông sở hữu lẻ tẻ vài ba cổ phiếu không được mời dự đại hội. Trường hợp cổ đông nhỏ lẻ mà doanh nghiệp phải cân nhắc ra quyết định hạn chế rơi vào nhóm thứ ba.

"Họ đến dự đại hội thì ít mà chỉ chăm chăm soi và nhận quà thì nhiều. Năm nào mà doanh nghiệp không chăm chút quà nhiều là họ lớn tiếng. Quà chủ yếu là sản phẩm của doanh nghiệp, được cổ đông - những nhà góp vốn sở hữu mong đợi có, dùng- thì không gì bằng. Song họ nhận cũng rất... thiếu tâm. Họ mở hộp quà, lấy cái ruột (sản phẩm) rồi vứt hộp, túi ngay sảnh đại hội. Thế thôi xong là về. Có một vài vị thậm chí còn chờ... tea break vừa bưng ra là ghé túi trút vào. Mình là doanh nghiệp cũng có quy mô, thu hút được cả những cổ đông nước ngoài. Cổ đông ngoại đến đây tham dự không biết, thấy những cảnh như vậy có cám cảnh cho cổ đông nhỏ Việt Nam, có...coi thường người mình không?!", nữ doanh nhân nói trên chia sẻ. 

Một doanh nghiệp khác cũng cho biết cực chẳng đã mới phải áp dụng hạn chế cổ đông/ tỷ lệ sở hữu tham dự Đại hội. Bởi doanh nghiệp quan niệm đã niêm yết, càng đông cổ đông càng chứng tỏ sức hút. Nhưng cũng vì những vì lí do... trời ơi mà lại rất có... lý như trên, họ cũng đành tính "bài" hạn chế cho "chắc ăn". Cũng vì vậy mà không ít cổ đông nhỏ, lẻ khác phải chịu tiếng, chịu chung cảnh thiệt thòi.

Khi cổ tức còn gây... bực tức

Một tình huống khác thường niên đến hẹn lại lên, cứ vào mùa ĐHCĐ là diễn ra, khá phổ biến: Đó là không ít ĐHCĐ của doanh nghiệp mà cổ đông đứng lên từ chất vấn đến gào thét, phản đối HĐQT về kế hoạch "khất" chia cổ phiếu hoặc chia nhỏ giọt, cho có, không quan tâm lợi ích người góp vốn, đồng hành.

Có doanh nghiệp may mắn thu hút nhiều cổ đông gắn bó hơn 30 năm, năm nào cũng vẫn là các cổ đông kỳ cựu ấy phải nêu ý kiến hết hơi vì cổ tức tiếp tục khất lần dù kết quả kinh doanh làm ăn theo báo cáo là khấm khá. Lại cũng có những cụ ông, cụ bà trước là người lao động của doanh nghiệp, đã nghỉ hưu từ lâu, nay chống gậy đến hội trường chỉ chờ được chia cổ tức để về nộp cho con cháu vui. Có người tính toán sao năm trước doanh nghiệp hô chia cổ tức 30-40%, nhưng thực chia chỉ có hơn 10% hoặc chưa chia. Năm nay lại vẫn mức cao như vậy như nêu lên cổ súy tinh thần cổ đông trong chốc lát. Tuy nhiên, cổ đông vẫn thiệt thòi vì nếu tính toán, năm trước chưa chia, năm nay gộp chia lũy kế, vậy tính trên tỷ lệ số cổ phiếu hiện hữu để nhận tiếp cổ phiếu năm nay của cổ đông là hao hụt đi hàng chục nghìn đơn vị....

Bản thân các HĐQT doanh nghiệp luôn có muôn điều khó nói. Một lãnh đạo HĐQT doanh nghiệp trả lời tại kỳ ĐHCĐ của doanh nghiệp mình là chỉ mong cổ đông thông cảm, vì bản thân nếu tính thiệt thòi như vậy, họ chính là cổ đông lớn nhất, họ mới thiệt thòi nhất. Họ không đòi thì quý cổ đông không nên tính toán. Nghe xong có lý quá, cổ đông mới chịu...xìu.

Một lãnh đạo ở doanh nghiệp khác thì phân trần do cơ quan quản lý ngành chưa cho chia. Cơ quan quản lý nói không thì dù ĐHCĐ có bỏ phiếu thông qua, doanh nghiệp cũng chẳng thể làm gì khác. 

Có doanh nghiệp sắp sửa chốt danh sách đại hội do năm nay bắt đầu muộn, thì nói riêng với DĐDN là "cổ đông của doanh nghiệp tôi... dữ quá, năm ngoái kinh doanh tý lợi nhuận giữ lại dự kiến tái đầu tư khoan chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu để doanh nghiệp có thêm cơ hội từ tăng vốn. Tính là thế, nhưng bàn đi tính lại HĐQT thấy vẫn khó yên lòng cổ đông, thôi thì cắn răng chia tiếp. Lên kế hoạch rắp ranh xong, lại xảy ra COVID-19, lợi nhuận bốc hơi theo chi phí giữ người, giữ doanh nghiệp trong khi không có nguồn thu mới. Vốn quay vòng ngày càng hẹp lại, HĐQT còn chưa biết trình cổ đông về cổ tức theo phương án nào"...

Nhìn chung, mùa ĐHCĐ năm 2020 đã đi được một thời gian. Các cung bậc "hỉ, ố, ái, nộ" nào hình như ở Đại hội nào cùng có. Chỉ khác nhau ở từng ngành, từng đơn vị. Nhưng có lẽ một điểm chung của các đã, đang và sẽ diễn ra đại hội, là hầu hết đều có sự thận trọng trong các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2020. COVID-19 đã khiến HĐQT, Ban điều hành các doanh nghiệp phải lượng tính nhiều kịch bản. Dễ hiểu khi đứng trước cổ đông với muôn vàn kỳ vọng, dù mỗi năm chỉ thực tế giáp mặt đại hội một lần, đa phần họ vẫn phải chọn "rón rén" hơn với các chỉ tiêu.

Một mùa kinh doanh đượm buồn đang phản ánh rõ hơn từ các kỳ Đại hội.