Sau khi các gói hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ an sinh lần 1 chưa thực sự phát huy hiệu quả giúp “giảm đau” cho nền kinh tế, gói hỗ trợ kinh tế lần 2 đã được tính tới. Tuy nhiên, điều được quan tâm hơn cả là gói hỗ trợ kinh tế lần 2 này sẽ có lộ trình như thế nào? Nhóm đối tượng nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ?

Nhóm lao động tay nghề thấp và doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm đối tượng được đề xuất ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhóm lao động tay nghề thấp và doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm đối tượng được đề xuất ưu tiên hỗ trợ  (Ảnh: Quốc Tuấn)

Lao động nghèo, tay nghề thấp

Theo TS Phan Minh Ngọc, gói hỗ trợ lần 2 phải chọn lựa đối tượng ưu tiên hỗ trợ chứ không thể “xông xênh” hỗ trợ mọi đối tượng, mọi chủ thể kinh tế. Bởi hỗ trợ cần “đến nơi đến chốn”, hỗ trợ đủ mức để đạt hiệu quả mong muốn.

Nhận định mục đích hỗ trợ lần này là “trao con cá”, tức giúp cho người dân, người lao động trước mắt có cơm ăn mà không bị đứt bữa, doanh nghiệp có tiền để cầm cự không phải đóng cửa trong những tháng chờ đợi có vaccin ngừa COVID-19, chuyên gia cho rằng đối tượng hỗ trợ ưu tiên phải là những cá nhân và doanh nghiệp dễ và đã bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh.

Tính đến hết tháng 7, lượng doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019. Gần 31 triệu người mất việc, giảm thu nhập vì dịch. 

Theo đó, với người lao động thì cần ưu tiên nhóm công nhân lao động, hộ nghèo, người thất nghiệp, lao động tự do. Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, đối tượng cần được quan tâm là công nhân, người có tay nghề thấp trong khu vực chính thức. 

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực phi chính thức bị tác động bởi dịch. Ông ước tính khoảng 20 triệu người chịu tác động. Khác với lao động chính thức dù ít nhiều vẫn có thể duy trì cuộc sống nhờ trợ cấp và các chính sách trợ cấp và bảo hiểm xã hội, lao động tự do sẽ về số 0 khi mất đi sinh kế.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh khu vực phi chính thức có thể tạo ra rạn nứt, thậm chí đổ vỡ cho nền kinh tế nếu không có biện pháp hỗ trợ phù hợp. "Rất nhiều vấn đề xã hội xảy ra khi con người ta bị bần cùng hoá, do vậy đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện an ninh và xã hội, tiềm ẩn hệ quả to lớn", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Về đối tượng là doanh nghiệp, TS Phan Minh Ngọc cho rằng, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những doanh nghiệp thường hầu như không có nguồn lực dự trữ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác.

“Đối với doanh nghiệp lớn, tuy cũng có khó khăn nhưng ít ra thì cũng còn có các cách xoay xở so với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, nếu muốn hỗ trợ cả doanh nghiệp lớn thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng. Nhưng như vậy thì, như đã nói ở trên, sẽ chẳng bao giờ có đủ nguồn lực”, TS Phan Minh Ngọc nhận định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, gói cứu trợ lần 2 nếu gồm giải pháp cắt giảm thuế, phí, chi phí thì chỉ được thực hiện với những đối tượng đáng cứu trợ như đã đề cập ở trên, hoặc một số đối tượng doanh nghiệp được khuyến khích phát triển ngay cả trong "thời bình" như các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhắc tới bài học của Singapore, vị chuyên gia khẳng định, việc cắt giảm có chọn lọc các loại thuế, phí, chi phí cũng là cách để giúp doanh nghiệp có thêm "cần câu", phương tiện, nguồn lực phục hồi, phát triển mà không nhất thiết cứ đòi nhà nước phải cấp vốn ưu đãi.

Theo đó, Chính phủ Singapore sẵn sàng trả trợ cấp (khoảng hơn 180 ngàn đồng/giờ) cho người lao động mất việc đi học các khóa học chuyển đổi hoặc nâng cao nghề nghiệp, kỹ năng do Chính phủ tài trợ. Bằng cách này, Chính phủ không phải lo thu xếp một nguồn vốn khổng lồ để cho vay doanh nghiệp với nhu cầu vô tận mà còn giúp cho người lao động – là cái đích tối thượng cho mọi gói cứu trợ - có được tiền để tồn tại trong khi có cơ hội tìm việc làm mới, phù hợp hơn, đồng thời vẫn giúp cho doanh nghiệp có được "cần câu cá" là nguồn nhân lực có kỹ năng tốt hơn, hiệu suất cao hơn.

Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng cho rằng thứ tự ưu tiên đối với đối tượng doanh nghiệp cần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sau đó đến doanh nghiệp tư nhân lớn và cuối cùng mới là doanh nghiệp nhà nước.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, dù được cho là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa ít khi được ưu tiên về cơ chế, sức đề kháng của doanh nghiệp yếu, dễ bị tổn thương.

Do đó, nhóm này cần được ưu tiên tiếp cận các gói hỗ trợ. Điều này cũng tạo ra sự đồng nhất trong quan điểm của Chính phủ khi luôn khuyến khích người dân khởi sự, tạo lập doanh nghiệp mới.

Đối với nhóm tiếp theo là các doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động, vị chuyên gia cho rằng, cứu một doanh nghiệp là bảo vệ cả ngàn lao động. Tiếp đến là các doanh nghiệp đảm đương những vị trí quan trọng của nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực.

"Trong điều kiện nguồn lực chung hữu hạn cần ưu tiên hỗ trợ cho các lĩnh vực giúp nền kinh tế được thụ hưởng nhiều nhất", ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói.