Gói hỗ trợ lãi suất có cứu ngành hàng không thoát lỗ

Gói hỗ trợ lãi suất có cứu ngành hàng không thoát lỗ?

Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, NHNN  đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định trên.

Theo các chuyên gia, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần kích thích, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Agriseco Research kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6% - 6,5% của Chính phủ.  Agriseco Research cho rằng, các doanh nghiệp đầu ngành trong các ngành được hỗ trợ, đáng chú ý là: Nhóm dịch vụ hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; Nhóm ngành sản xuất - xuất khẩu, bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo; Nhóm Công nghệ thông tin cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách này.

Theo Nghị định được ban hành, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất khi đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và hoặc số dư lãi chậm trả. Cùng với đó, các khoản vay gia hạn nợ cũng sẽ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.

Tuy nhiên, nhìn từ ngành hàng không và du lịch hiện nay cho thấy ngành này đang gặp nhiều khó khăn và lỗ lớn. Liệu gói hỗ trợ lãi suất có hỗ trợ có giúp ngành hàng không thoát lỗ…

Điển hình là Vietnam Airlines, theo báo cáo năm 2021 chưa kiểm toán, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 9.179 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 1.100 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021. Con số này cùng kỳ năm trước thậm chí còn lên đến 2.085 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ ròng 1.184 tỷ đồng trong quý 4 qua đó tiếp tục đào sâu khoản lỗ ròng cả năm 2021 đến 13.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm 31/12/2021 âm 21.978 tỷ đồng và đã "ngốn" gần hết vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện trong quý 1/2022, khoản vốn chủ sở hữu ít ỏi còn lại hơn 507 tỷ đồng  của Vietnam Airlines có thể bị thổi bay… Đối với các doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng tương tự.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4/2022, thị trường hàng không quốc tế đã có sự khởi sắc khi số lượng khách bay tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, các hãng hàng không đã khai thác 30.000 chuyến bay đi/đến, trong đó có 12.000 chuyến bay quá cảnh, tăng 25% so với tháng 4/2021. 

Đến nay, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác. Đối với thị trường nội địa, sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700 - 800 chuyến bay.

Đừng để “xa vời” gói hỗ trợ lãi suất

Cùng với những dự báo của Cục Hàng không Việt Nam vào năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 -47 triệu lượt hành khách tăng từ 170 - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019. Công ty Chứng khoán CSI ước tính lượng khách nội địa và quốc tế năm 2022 đạt khoảng 35 triệu và 4 triệu hành khách, lần lượt tăng 108% và 3.502% so với cùng kỳ. Ngành hàng không đang trở lại với vai trò quan trọng, khởi đầu trong phục hồi kinh tế, nhiều kế hoạch mở thêm đường bay đang được thực hiện đúng như kịch bản phục hồi.

Cụ thể, từ 27/3/2022, Vietnam Airlines khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống (trừ Trung Quốc do chưa có chính sách mở cửa, Myanmar do bất ổn chính trị). Dự kiến từ tháng 4/2022, Vietnam Airlines sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, 2 đường bay mới tới Ấn Độ, khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7/2022 và nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippines trong thời gian tới…

Vietnam Airlines đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện và chuẩn bị lực lượng, nguồn lực tốt nhất có thể để đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển. Với tư cách doanh nghiệp có 86% vốn nhà nước, đại diện Vietnam Airlines cũng kiến nghị được hỗ trợ có thể tăng vốn và thoái vốn, khắc phục ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch.

Với lợi thế mô hình giá rẻ, VJC có vị thế tốt hơn trong quá trình đầu của giai đoạn hồi phục khi tần suất các chuyến bay quãng ngắn đến các quốc gia lân cận sẽ tăng nhanh hơn so với các chuyến bay đường dài. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch với giá hợp lý tăng lên sau quãng thời gian bị kìm nén và khả năng tài chính bị ảnh hưởng do đại dịch...

Từ những phân tích trên CSI cho rằng với Nghị định 31/2022 được ban hành cùng việc hỗ trợ lãi suất 2% sẽ là  giúp ngành hàng không phục hồi sau đại dịch… Tuy nhiên để các doanh nghiệp thoát lỗ là bài toán không dễ dàng, nhất là đối với Vietnam Airlines đang âm vốn chủ sở hữu sau 02 năm đại dịch...