Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ đã được nới lỏng hơn với người lao động và doanh nhiệp. Ảnh: Quốc Tuấn

Điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ đã được nới lỏng hơn với người lao động và doanh nhiệp. Ảnh: Quốc Tuấn

Nới lỏng gói hỗ trợ lần 1

Theo đó, thay vì những quy định khiến không doanh nghiệp nào có thể chạm tới, nay doanh nghiệp có thể vay vốn để trả lương khi có người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên.

Đồng thời, doanh thu quý I/2020 của doanh nghiệp giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong 5 ngày, hồ sơ vay vốn của người sử dụng lao động sẽ được xem xét.

Tương tự, chính sách tiếp cận cũng được “nới” hơn với người lao động. Người lao động nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng liên tục, đang tham gia BHXH bắt buộc sẽ được áp dụng. Thủ tục cũng được thay đổi, theo đó, doanh nghiệp là đơn vị lập danh sách người lao động, sẽ có 3 ngày để cơ quan liên quan xem xét hồ sơ.

Vậy là yêu cầu về giải ngân gói hỗ trợ lần một đã phần nào được tháo gỡ. Tuy nhiên, đánh giá rằng còn cần gói hỗ trợ lần 2 cho hồi phục kinh tế, các chuyên gia đều đặc biệt nhấn mạnh phải rút kinh nghiệm từ gói 1. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với chính sách hỗ trợ lần hai, cần làm rõ tác động qua lại giữa các chính sách của Chính phủ, từ đó đưa ra hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp.

Lựa chọn gói hỗ trợ lần 2

Điển hình, vị chuyên gia cho rằng, với 12.000 tỷ đồng được giải ngân trong 62.000 tỷ đồng mà nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, cần xem xét những khu vực được tác động cũng như mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phục hồi của doanh nghiệp từ con số 12.000 tỷ đồng này.

"Số doanh nghiệp được thụ hưởng từ số tiền này chưa cao, những đối tượng doanh nghiệp, những ngành cần và có khả năng phục hồi thì lại chưa tiếp nhận được nhiều. Vì vậy, gói hỗ trợ lần này cần hướng tới các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai", chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Đồng thời, theo vị chuyên gia, bởi không chỉ đối với nền kinh tế, mà các doanh nghiệp lúc này cũng rất cần tái cơ cấu. Bên cạnh đó, cần tập trung hỗ trợ các lĩnh vực, doanh nghiệp hướng tới công nghệ và có khả năng phát triển trong tương lai. 

Minh chứng cho thấy, khảo sát của OECD và WB hồi tháng 8, có tới 50% doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang bán hàng online. Đây là dấu hiệu tích cực, bởi họ đã làm được việc cần thiết để tự cứu mình. Nói một cách dễ hiểu, các doanh nghiệp này đã thích ứng nhanh với những biến động thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Thậm chí, nắm bắt để thay đổi định hướng đầu tư, phát triển thị trường, áp dụng công nghệ cao. 

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa và ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021.

PGS. TS. Bùi Đức Thọ Phó - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng kiến nghị Chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém.

"Về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi. Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh bền vững. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng", PGS. TS. Bùi Đức Thọ đề xuất và lưu ý cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.