Có rất nhiều startup không thể định giá được ý tưởng kinh doanh hay định giá được doanh nghiệp, từ đó không thể nào biết được mình nên gọi vốn bao nhiêu là phù hợp. Lẽ dĩ nhiên, không hề có công thức chung để định giá. Tuy nhiên việc startup định giá bao nhiêu thì nó sẽ phụ thuộc vào doanh thu mà startup đó kỳ vọng trong tương lai bây nhiêu.

Ông Đỗ Hoài Nam, sáng lập Emotive Systems và SeeSpace từng chia sẻ, rất nhiều bạn mắc sai lầm trong khâu định giá Startup của mình bằng cách tính tiềm năng của công ty, rồi nhân với hệ số như trên sàn chứng khoán, sau đó lại trừ đi phần rủi ro. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực ra cũng là nhấc một con số từ trên trời xuống, và quan trọng hơn nữa là không thực tế. Mà một khi đã không thực tế thì các nhà đầu tư rất khó để tin tưởng vào khả năng của bạn.

Mỗi startup sẽ có những vòng gọi vốn khác nhau, từ lên cho ý tưởng cho đến khi đã có sản phẩm mẫu. Khi cần thêm tiền để chính thức sản xuất hoặc marketing thì startup sẽ lên kế hoạch gọi vốn lần đầu. Ở giai đoạn này, thường startup sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cá nhân hơn là các quỹ hay nhà đầu tư mạo hiểm.

Đặc biệt, khi bạn tự định giá cao bất hợp lý, nhà đầu tư sẽ đánh giá bạn không trung thực và không còn hứng thú đầu tư. Nhưng nếu trường hợp bạn nhận được đầu tư thì qua mỗi vòng, giá trị của công ty sẽ phải tăng lên so với vòng trước, có những trường hợp tăng quá cao so với giá trị thực tế. Khi không thể phát triển thêm nữa, khi đó startup sẽ thất bại.

Ngoài ra, các startup nên nhớ khi định giá ý tưởng của một công ty thì phải có người đồng ý bán và người đồng ý mua ở cái giá đó. Người mua là nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư, cái họ cần là "exit" (thoái vốn) và khả năng tự chủ được exit. Điều này liên quan đến tỷ lệ phần trăm mà nhà đầu tư có trong công ty của bạn tại thời điểm exit, thường thì phải sau một vài lần gọi vốn và pha loãng cổ phiếu nữa.

Trước khi định giá các startup cần nhấn mạnh vào tiềm năng tạo ra giá trị của các tài sản vô hình, bao gồm đội ngũ nhân sự nòng cốt, độ nhận diện thương hiệu, mạng lưới khách hàng hay số lượng người dùng, các sở hữu trí tuệ nếu có. Đây chính là những tài sản mà nhà đầu tư nhìn vào để đánh giá tiềm năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Sau đó cần giảm thiểu mức độ rủi ro đầu tư đánh giá bởi nhà đầu tư, có thể thông qua các biện pháp đơn giản là cung cấp một cách trung thực thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh quá khứ cũng như tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch trong tương lai; thông tin phân tích về thị trường…

Với việc hiểu được quan điểm đánh giá của nhà đầu tư, các startup cũng có thể điều chỉnh kỳ vọng của bản thân về giá trị doanh nghiệp một cách hợp lý, qua đó tự tháo gỡ các nút thắt giữa bên đi gọi vốn và nhà đầu tư, thu hẹp khác biệt về quan điểm giá trị giữa các bên, và vì thế gia tăng khả năng thành công của việc huy động vốn.

Một kinh nghiệm sống còn đó là khi định giá startup đừng nên dùng chiêu trò để khiến mình hoàn hảo hơn, sau đó nâng giá trị để nhận được nhiều đầu tư hơn. Hãy nhớ, thành thật và liêm chính là một yếu tố quan trọng của nhà khởi nghiệp thành công.