Chiều 21/9, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An về Dự thảo Nghị định quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An góp ý tại Tọa đàm trực tuyến

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Liên - TGĐ WHA tại Việt Nam nhấn mạnh Nghị định thay thế nghị định 82/2018 đã có các điểm điều chỉnh tốt hơn, tuy nhiên có khá nhiều điểm cần phải xem xét lại.

Theo đó, bà Liên đề xuất Đề xuất bỏ Điều 8 khoản 5 quy định về hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên trong mỗi giai đoạn như sau:

  1. a) 200 ha đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long;
  2. b) 150 ha đối với vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ;
  3. c) 100 ha đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Theo quan điểm của bà Liên, điều khoản này chưa phù hợp với Luật Đầu tư bởi danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh theo khoản 6 Điều 7 Luật đầu tư không có hạn chế về diện tích chuyển đổi đất trồng lúa theo mỗi giai đoạn của dự án đầu tư.

“Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 30 Luật Đầu tư, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên để thực hiện dự án đầu tư là có thể được chấp thuận, và thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án loại này là của Quốc hội”, bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế bởi đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ, nơi địa hình chỉ có núi đá, đồng bằng nhỏ hẹp và ven biển, thì chỉ có duy nhất vùng đất đồng bằng mới phù hợp để chuyển đổi sang phát triển khu công nghiệp.

Bà con tại các tỉnh này xưa nay chủ yếu làm nông và đa phần trồng lúa nước 2 vụ, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa, chính vì vậy vùng đất này vẫn được mang danh là vùng đất cằn cõi.

Làm nông nghiệp hiện nay chỉ đủ cung cấp lương thực, còn để ổn định được đời sống, như Cục trưởng cục trồng trọt nói: mỗi hộ phải canh tác đủ ít nhất 5ha, và muốn sung túc phải trên 10ha.

Trong khi đó, nông nghiệp tại các tỉnh ven biển hết sức manh mún, hiệu quả thấp. Chủ trương chung của chính phủ, mục tiêu duy trì 3.5 triệu ha đất lúa nước trên toàn quốc, còn lại cho phép chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng đạt hiệu quả cao hơn, trong đó bao gồm chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất công nghiệp với năng suất cao hơn”, bà Liên lập luận.

Theo quan điểm của bà Liên, trong trường hợp nhà đầu tư có năng lực để triển khai dự án KCN có quy mô diện tích lớn và cam kết thực hiện đúng tiến độ, thì sẽ sớm chuyển đổi được cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm, nhanh chóng cải thiện đời sống của người dân địa phương, cũng là 5-10ha đất có thể tạo ra công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm người lao động.

Tương tự, bà Liên kiến nghị bỏ, Điều 27 khoản 4, điểm b tại Dự thảo Nghị định quy định về trường hợp khung giá và các loại phí hạ tầng.

Theo bà Liên, quy định này chưa phù hợp với pháp Luật về giá bởi theo Điều 15, Điều 19, và Điều 23 Luật Giá, Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo các hình thức bình ổn giá, định giá, và hiệp thương giá.

Tuy nhiên, các mức giá và các loại phí sử dụng hạ tầng trong KCN không thuộc danh mục điều tiết giá của Nhà nước. Do vậy, các khung giá và phí này là do đơn vị phát triển hạ tầng KCN tự xác định và điều chỉnh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá theo khoản 5 Điều 11 Luật Giá, và tùy theo thỏa thuận với các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong KCN”, bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, quy định này cũng chưa phù hợp với pháp luật dân sự về tự do ý chí của các bên bởi pháp luật dân sự luôn đề cao và tôn trọng việc các bên tự do thỏa thuận, và cơ quan nhà nước chỉ can thiệp một cách rất hạn chế vào quan hệ này. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận thì sẽ được coi là phát sinh tranh chấp, và việc giải quyết tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật (tòa án hoặc trọng tài thương mại).

Cùng với đó, bà Liên cũng cho rằng đây là quy định chưa phù hợp với thực tế bởi đơn vị phát triển hạ tầng KCN luôn có phương án cân đối khung giá và các loại phí hạ tầng một cách hợp lý để bảo đảm việc thu hút các dự án thứ cấp, và duy trì tính cạnh tranh với các KCN khác.