Những món đồ online này là một phần trong bộ sưu tập giới hạn của Gucci cho Roblox. Theo đó nhà tạo mốt lừng danh của nước Ý này đang tiến một bước vào thị trường kỹ thuật số - nơi tập trung rất đông những khách hàng trẻ tuổi.

Những người chơi trong metaverse (từ ngữ chỉ thế giới ảo, nơi giao nhau của internet, các loại game thực tế ảo tăng cường,...) cho biết bộ sưu tập của một thương hiệu tên tuổi như Gucci đã phần nào đánh dấu kỷ nguyên mới cho sự kết hợp giữa thế giới thực và ảo. Ngay cả trong thế giới ảo, người chơi cũng mong muốn thể hiện cái tôi của mình. Và việc Gucci hợp tác với Roblox sẽ đáp ứng nhu cầu này.

Các sản phẩm của Gucci chính thức “lên sàn” Roblox từ tháng trước trong vòng 2 tuần. 42 triệu người dùng của Roblox có thể sắm đồ Gucci (dĩ nhiên đồ ảo trong game) với giá 1.20 - 9 USD. Các món đồ này được ẩn trong Vườn Gucci - cái tên gợi nhớ đến triển lãm Vườn Gucci thực tế ở Florence cùng nhiều thành phố khác. Một số món thì miễn phí, còn những món độc quyền sẽ chỉ hiện hữu trong khoảng thời gian giới hạn.

Trải nghiệm này sẽ giúp phân khúc khách hàng chính của Roblox, trẻ em từ 9 - 15 tuổi, “tận hưởng” những mặt hàng xa xỉ mà không phải ai cũng có thể tiếp cận trong thế giới thực. Nhiều bậc phụ huynh có thể đắn đo khi bỏ tiền để trang hoàng cho một cái avatar trong game. Thế nhưng Gen Z thì đã quá quen với việc này.

Cũng giống như vài năm trước, người ta thi nhau ra đường và bắt Pokemon, thì giờ đây khi ở nhà buồn chán, game trở thành không gian để giải trí và trò chuyện với bạn bè, việc bỏ tiền “trang trí” cho avatar với lứa tuổi thanh thiếu niên cũng không có gì khó hiểu.

Christina Wootton, phó chủ tịch hợp tác thương hiệu của Roblox, chia sẻ: “Thậm chí Gen Z còn xem trọng những món đồ online hơn đồ thực tế. Bởi thế giới online là nơi họ tập trung kết nối bạn bè. Và họ muốn thể hiện bản thân trên thế giới online bằng thời trang.”

Trên Roblox hiện giờ, một chiếc túi Gucci Dionysus Bag with Bee được bán lại với giá hơn 4.100 đô Robux. Con số này thậm chí còn cao hơn giá của một chiếc Gucci Dionysus thực sự và cao hơn rất nhiều lần so với giá gốc chỉ 475 Roblox. Và trong cả 2 đợt phát hành, chỉ có 851 sản phẩm.

Tiềm năng của metaverse đối với thời trang không chỉ dừng lại trong cộng đồng game mà còn lan sang những hệ sinh thái kỹ thuật số khác.

Chẳng hạn một công ty công nghệ tên Boson Protocol đang xây dựng cầu nối giữa metaverse và thế giới thực với những tính năng cho phép khách hàng mua sắm NFTs thời trang cho avatar. Đổi lại các NFTs sẽ chứa voucher để đổi những vật phẩm tương ứng trong thế giới thực. Dự án này công bố hôm thứ Tư và dự kiến sẽ khởi động sau 2 tháng.

Hoặc chẳng hạn IMVU metaverse đang khởi động một sàn giao dịch có các vật phẩm thời trang kỹ thuật số dưới dạng NFTs cho các avatar trên mạng xã hội.

Với những bước tiến này, có thể nói ngành thời trang đã mở đường vào thế giới kỹ thuật số, thậm chí cho những người ít hứng thú với công nghệ. Còn với Gucci, lợi tức lớn nhất của việc hợp tác với Roblox là trở thành một phần của thế giới này.

CEO của Gucci, Marco Bizzarri, chia sẻ: “Không ai biết được ngành công nghiệp này sẽ thay đổi như thế nào trong 10 năm tới. Chúng tôi muốn bắt đầu trước mọi người để đuổi kịp tốc độ này. Dĩ nhiên hiện tại bước tiến này chưa đem đến nhiều công việc. Tuy nhiên đó có thể là mảng kinh doanh chính trong tương lai.”