>> Hạ giá xăng dầu để thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm bền vững

Chia sẻ với DĐDN, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, xăng dầu chiếm 3,5% tổng chi phí toàn xã hội. Đối với doanh nghiệp còn có tỉ trọng cao hơn, như vận tải từ 35-40%, nghề cá 60% dẫn đến nhiều tàu cá “nằm bờ”...

- Việc “hạ nhiệt” giá xăng, dầu đang rất cấp bách, thưa ông?

Với đời sống, khi giá sản xuất trong nội địa tăng lên thì sẽ “dội” vào tiêu dùng của người dân. Mọi thứ đều tăng giá để bù đắp chi phí xăng, dầu. Xăng dầu tăng cao đã tác động sâu sắc, toàn diện đến từng bữa cơm gia đình, từng vật dụng của toàn xã hội có thể ít hay nhiều.

Do đó, chúng ta phải thấy rõ vấn đề để có những chính sách nhằm giải quyết bài toán xăng dầu “rốt ráo” hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, không thể “nhỏ giọt” như hiện nay.

- Giảm thuế môi trường là một trong những giải pháp để giảm giá xăng dầu. Ông đánh giá về giải pháp này?

Việc giảm thuế môi trường để hạ giá xăng dầu theo tôi là “không bõ bèn”. Thực tế, xăng dầu từ đầu năm đến nay đã tăng 52%, gas tăng 26%. Trong khi đó, giảm thuế môi trường kỳ trước là 2.000 đồng/lít, kỳ này đang trình giảm 1.000 đồng/lít để cận giá thuế môi trường.

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu, theo tôi đây là thuế vô lý, vì chúng ta đánh đồng xăng dầu với rượu và thuốc lá. Nhưng chúng ta vẫn đang xem xét để trình. Như vậy, các bộ đã bỏ lỡ thời cơ giảm giá xăng dầu, từ đó khiến giá các hàng hoá thiết yếu khác “bùng lên” theo giá xăng dầu.

Do đó, theo tôi giá xăng dầu chỉ khoảng 22.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mới chịu đựng được, sức sống mới trở lại. Chúng ta đừng nhìn vào hụt thu ngân sách mấy chục nghìn tỷ đồng mà không giảm các sắc thuế đối với xăng dầu. Sau này, khi doanh nghiệp hồi phục trở lại sẽ còn cơ hội nộp ngân sách nhiều hơn tiền giảm thuế phí.

 Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là chưa hợp lý.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là chưa hợp lý.

>> Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, hạ nhiệt giá xăng dầu

>> Ngân sách giảm thu 7.000 tỷ đồng khi giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

- “Bàn cân” đặt ra như vậy, nhưng tại sao lại xử lý chậm, thưa ông?

Đó là câu hỏi đặt ra cho vai trò quản lý nhà nước đang ở đâu? Tàu cá nằm bờ, liên quan đến an ninh vùng biển ai chịu trách nhiệm? Ai phải chịu trách nhiệm về sa sút kinh tế...

- Trong bối cảnh như vậy, đã có đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Qua nghiên cứu ở các nước tôi được biết, họ không bình ổn bằng số tiền 300 đồng “tạm mượn” của người dân. Các nước họ xây dựng nhiều kho dự trữ bằng hiện vật, khi giá dầu chỉ có mấy chục USD thì mua vào, giá xăng dầu tăng cao thì lấy ra để hoà lại bình quân gia quyền.

Chúng ta phải nhìn nhận dự trữ xăng dầu cũng như dự trữ lúa gạo chiến lược. Do đó, chúng ta bỏ quỹ bình ổn bằng tiền để thay bằng quỹ bình ổn hiện vật. Xây dựng kho dự trữ để chờ thời cơ giải quyết bài toán bình ổn.
Vì khâu sản xuất xăng dầu trong nước mới đảm nhận được 50-60%, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn còn đang “rắc rối”, Dung Quất mới đạt 30-40%. Cho nên, về lâu dài chúng ta phải chủ động xăng dầu như vấn đề lương thực.

- Theo ông, giải pháp hiệu quả để “hạ nhiệt” giá xăng dầu lúc này là gì?

Phải giải quyết giá xăng dầu ngay trong tháng 7, giảm 80% thuế tiêu thụ đặc biệt, GTGT. Qua tính toán, các chuyên gia kinh tế cho rằng với 14.000 đồng thuế trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay thì phải giảm 70 – 80%, để giá xăng dầu có giá trên 20.000 đồng/lít, khi đó người dân, doanh nghiệp mới có thể “chịu đựng” được.

- Trân trọng cảm ơn ông!