Đang mùa COVID-19 mà bà Thu Hồng nằng nặc đòi đi Quảng Ninh thăm cô con dâu mới đẻ. Một tháng sau bà trở về, thay vì khoe thằng cháu đích tôn đẹp, khỏe mạnh thế nào, bà chỉ kể chuyện thành phố Hạ Long tuyệt vời làm sao. Rồi bà giục rối mọi người phải đi Hạ Long cho biết!

30 năm trước, người Hải Phòng coi Quảng Ninh như xứ nhà quê. Trong khi Hải Phòng có Nhà hát lớn thì Quảng Ninh chỉ có mỏ than! Đi trên đường phố Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long), mới mở miệng cười, tôi đã cảm thấy bụi than ở trong răng mình!

Cười là có... than!

Hồi ấy, người Hòn Gai còn nghèo lắm. Họ chỉ biết đi lên núi đào than hay xuống biển để đánh cá. Thành phố có mỗi một con đường lớn, còn toàn là các phố nhỏ, cái có tên, cái không tên. Các ngôi nhà mái nhấp nhô, có khung cửa sổ long cánh. Quần áo phơi, phấp phới bay trên ban công của những căn hộ chung cư xập xệ dưới sức nặng của thời gian. Đường vào “núi xẻ” có những bờ tường hoang phế, loang lổ, bám đầy dây leo, các giếng nước đã cạn khô. Cuộc sống như cô đặc lại, buồn tẻ.

Ngày nay, chính sự điêu tàn buồn bã này sẽ đem đến cho Thành phố một linh hồn. Du khách nước ngoài thường bị vẻ đẹp tình cờ của sự suy tàn lịch sử quyến rũ. Họ thích ngắm một Hạ Long trinh nguyên và xa xưa. Đơn giản bởi họ là người ngoài cuộc. Những người trong cuộc thì chẳng thấy đẹp đẽ gì, bởi với họ, đó chỉ là đống tro tàn quá khứ.

Lạc hậu là thứ chẳng có ai thích! Tiếc thay, thói đời hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Người thành công là kẻ đi tìm hoàn cảnh họ muốn. Nếu không tìm thấy thì họ sẽ tạo ra chúng! 10 năm về trước, các nhà lãnh đạo Quảng Ninh không bị nô lệ cho những ngộ nhận “muốn là ai” như người hàng xóm ở bên kia cầu. Họ đã nhìn thấu hoàn cảnh của mình như một máy chụp CT cắt lớp. Trong lúc Hải Phòng phát triển thận trọng như lính công binh dò mìn, thì người Quảng Ninh hăm hở đổi mới. Họ rất sáng suốt khép lại cánh cửa vào các mỏ than ô nhiễm để mở ra cánh cửa khác - Du lịch. Họ bắt đầu tiến ra biển nhờ sự đầu tư của những tập đoàn kinh tế tư nhân. Cái gọi là mô hình “Công-Tư kết hợp” đã thành công. Khách sạn 5 sao, đường cao tốc, cầu vượt biển, sân bay quốc tế, bến cảng du thuyền, cái nào cũng đẹp, hiện ra như sau một đêm!

Thư viện Quảng Ninh cùng với Bảo Tàng Quảng Ninh là hai tác phẩm nghệ thuật độc đáo được thiết kế bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha.

Thư viện Quảng Ninh cùng với Bảo Tàng Quảng Ninh là hai tác phẩm nghệ thuật độc đáo được thiết kế bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha.

Một ngày lang thang

Khi mặt trời bắt đầu lên chậm rãi, vương giả trên vịnh Hạ Long, chúng tôi đi dạo con đường bao biển mà người Quảng Ninh nói rằng đẹp nhất Việt Nam? Con đường dài hơn 5 km có đến 100 biệt thự bề thế, hiện đại. Hay nhất là không nhà nào có cái mái vòm hãnh tiến như nhà của ông buôn dầu vừa bị bắt ở Hải Phòng. Chủ nhân các biệt thự này là những đại gia làm than, doanh nhân du lịch…

Chiều xuống, có tiếng âm nhạc vọng ra từ cuối quảng trường “30 tháng 10”, cạnh Cung Cá heo. Chúng tôi bắt gặp các cặp tình nhân, tay trong tay đứng ngắm mặt trời lặn. Một em bé mắt đen nhánh, sâu thẳm như không có đáy, ngồi trong xe nôi được đẩy bởi hai cô gái nói cười vui vẻ. Khác hẳn thế hệ chúng tôi không biết đòi hỏi hưởng thụ, giới trẻ Quảng Ninh chẳng coi chuyện uống Coca Cola và ngồi xe Mẹc là biểu hiện sự suy đồi đạo đức!

Hạ Long hầu như không có rạp chiếu phim hay sàn nhảy cổ điển. Chúng tôi đến Nhà văn hóa Việt Nhật và rồi thất vọng toàn tập. Nhà văn hóa không sáng đèn, trừ các quán nhậu nằm trong khuôn viên của nó.

Ngược lại, đường Lê Thánh Tông sáng choang một dãy cửa hiệu của những tập đoàn thời trang thế giới khổng lồ (Chanel, Prada, Armani…) bán sự xa xỉ và vẻ quyến rũ. Dân Hạ Long giờ nhiều tiền. Trên phố có nhiều người dùng hàng hiệu, mặc sơ mi Versace, đeo đồng hồ Rolex, cầm điện thoại Apple, xách túi Vuitton, lái xe Mercedes.

Phố này không đón chào tôi, vậy nên tôi đi hát karaoke với người bạn học ngày xưa. 10 năm gặp lại, chiếc răng cửa của bạn tôi đã ố vàng, tôi còn ngửi thấy mùi rượu từ bữa trưa nay của anh ta trong hơi thở. Thế rồi, anh cất tiếng hát làm chúng tôi ngất ngây luôn!

Năm nay, các vị khách đi du lịch ầm ĩ bên kia biên giới không đến Hạ Long. Mới 9 giờ đêm mà Thành phố đã lim dim trong làn gió biển và bắt đầu những giấc mơ của mình. Trăng lưỡi liềm treo vắt vẻo phía cuối chân trời. Biển chợt hiện ra với những con sóng cuộn tròn theo gió. Ánh đèn hành trình của các con tàu trên vịnh như những vì sao nhấp nháy.
Điều Quảng Ninh cần bây giờ là hạ tầng văn hóa. Đó là mảnh đất màu mỡ để canh tác sự sáng tạo! Các cụ xưa đã nói rồi: “Giàu nhưng phải sang!”.

Trên đường về, tôi mỉm cười nhìn vào gương ô tô và thấy răng không dính bụi than nào!