Hà Nam là địa phương có thế mạnh về phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch văn hóa – lễ hội đầu năm với hơn 1700 di tích các loại, Hà Nam đã triển khai các giải pháp kích cầu du lịch tại một số địa phương, đẩy mạnh liên kết hợp tác để thu hút khách du lịch nội địa cũng như phục hồi thị trường quốc tế.

Khu du lịch Tam Chúc Hà Nam

Khu du lịch Tam Chúc Hà Nam

Theo ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nam, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải hoạt động cầm chừng và có thời gian phải đóng cửa dừng hoạt động. Dịch bệnh không chỉ khiến các công ty lữ hành gặp khó khăn mà các nhà hàng, khách sạn, vận tải… cũng lao đao khi lượng khách sụt giảm mạnh.

Do đó, “để cung cấp đầy đủ, chi tiết, kịp thời thông tin cho du khách, tỉnh đã kích hoạt triển khai có hiệu quả Cổng Thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam và website du lịch Hà Nam. Theo đó, du khách có thể tìm kiếm những chương trình tour theo điểm đến hoặc theo giá với đầy đủ thông tin về đơn vị tổ chức tour, chương trình tour và thời hạn áp dụng tại địa chỉ”, ông Huy nhấn mạnh.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cũng cho rằng, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế, xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng, nó đã thay đổi về nhận thức, phong cách đi du lịch của du khách. Chính vì lẽ đó, đòi hỏi sự nỗ lực thay đổi về sản phẩm và sự liên kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ nhằm phục hồi thị trường du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nội địa.

Theo ông Hùng, Hiệp hội Du lịch tỉnh cần vận động, khuyến khích các thành viên Hiệp hội tham gia thực hiện các gói kích cầu du lịch, phối hợp với Hiệp hội du lịch các tỉnh khác làm cầu nối, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp, liên kết, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu du lịch gắn với đảm bảo an toàn, quan tâm đẩy mạnh các tour du lịch về với Tam Chúc, về với những cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, những con người thân thiện, hồn hậu của quê hương Hà Nam”, ông Hùng nói.

Các đơn vị ký cam kết hỗ trợ cung cấp thông tin và dịch vụ nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của tỉnh Hà Nam

Các đơn vị ký cam kết hỗ trợ cung cấp thông tin và dịch vụ nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của tỉnh Hà Nam

Được biết, chương trình kích cầu du lịch nội địa tại Hà Nam bắt đầu từ tháng 6/2020 và kéo dài đến hết năm với điểm nhấn là làm mới những điểm đến đặc trưng của 5 khu, điểm du lịch trọng điểm gồm, khu du lịch Tam Chúc, điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang, điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Bà Vũ, khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương, và điểm du lịch nhân văn Nam Cao.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất tỉnh Hà Nam nên giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ từ 50 – 100 % theo từng giai đoạn. Nên có chính sách áp dụng giá riêng cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nam đến hết năm 2020-2021. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm đến phải liên kết giảm giá đồng bộ, không chỉ giữ nguyên mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đối với việc giảm giá, ông Hùng cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp có thể giảm giá nhưng phải cam kết về chất lượng dịch vụ không chỉ giữ nguyên, mà chất lượng còn phải nâng cao hơn. Các thông tin liên quan đến kích cầu, khuyến mại phải được cập nhập thường xuyên, đồng thời có cơ chế giám sát doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng khi tham gia các chương trình này để tạo sự đồng bộ, bài bản, chuyên nghiệp và sự hài lòng cho du khách.