>> “Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Có thể xem xét sử dụng nguồn xăng dầu nhập khẩu trong nước

Giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh, xô đổ nhiều kỷ lục không chỉ đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và việc sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giá xăng, dầu liên tục tăng cao thời gian qua đã tạo ra những áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Giá xăng, dầu liên tục tăng cao thời gian qua đã tạo ra những áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Thực tế, trong 2 tháng qua, giá bán lẻ xăng trong nước liên tục tăng và lập đỉnh. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử là 32.870 đồng, tăng thêm khoảng 9.000 đồng so với đầu năm nay. Dầu diesel ở mức 29.020 đồng/lít, tăng thêm hơn 11.000 đồng so với đầu năm.

Mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng hiện nay phải gánh hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng (sau khi được giảm 50% từ 01/4 năm nay). Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Trước thực trạng đã nêu, sau thuế bảo vệ môi trường, mới đây, Bộ Tài chính vừa cho biết, đã trình Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này.

Dù mức giảm cụ thể với các loại thuế đã nêu chưa được Bộ Tài chính tiết lộ chi tiết, thế nhưng, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, đây là động thái tích cực từ phía các bộ, ngành, song cần làm nhanh, giảm mạnh các loại thuế để giảm áp lực chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Thông tin với báo chí, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu để ít tác động đời sống người dân, thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (các loại dầu không có sắc thuế này) là cần thiết.

>> “Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu

Việc Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu được cho là cần thiết - Ảnh minh họa

Việc Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu được cho là cần thiết - Ảnh minh họa

Với việc giá xăng, dầu liên tục “leo thang” và lập đỉnh như thời gian qua, các chuyên gia cũng đánh giá, công cụ hữu hiệu nhất để kìm đà tăng giá xăng, dầu là giảm thuế, và có làm như vậy mới không tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và sớm giảm áp lực chi phí cho đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, những năm trước, giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí vận tải, nhưng nay đã tăng lên mức 50%. Các doanh nghiệp trong ngành đang rất khó khăn, Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường; hoặc miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

“Vẫn biết, để giảm các loại thuế, phí này cần họp bàn, quốc hội thông qua, có thể ở kỳ họp Quốc hội tới đây. Nhưng tôi cho rằng, đây là vấn đề nóng, thực sự cần thiết. Nên chăng có giải pháp sớm để quyết định chính sách này, giúp giảm bớt ảnh hưởng của giá xăng tới người dân, doanh nghiệp”, ông Liên bày tỏ.

Và trên thực tế, không chỉ Việt Nam, để kìm đà tăng và “hạ nhiệt” giá xăng, dầu, nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đã sử dụng đến công cụ thuế.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng “thẳng đứng”, nhiều quốc gia phải tìm cách hãm đà tăng của loại nhiên liệu này thông qua các biện pháp giảm thuế, phí.

Ông Lâm dẫn chứng, tại Thái Lan, Chính phủ đã cắt giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht. Cùng với giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ áp dụng quy định giảm 20% thuế xăng dầu cho tới cuối tháng 7 và bỏ ngỏ khả năng tăng thêm mức giảm thuế lên 30% nếu giá xăng dầu thế giới không suy giảm.

“Nhiều quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để “hạ nhiệt” giá năng lượng”, ông Lâm chia sẻ.

Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay, với các chương trình phục hồi kinh tế của các quốc gia, tổng cầu thế giới tăng cao; bất ổn địa chính trị và các biện pháp cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga, dự báo giá xăng dầu thế giới vẫn tăng ở mức cao. Đối với kinh tế Việt Nam, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới có thể kìm hãm đà tăng của mặt hàng này.

“Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần”, ông Nguyễn Bích Lâm bày tỏ.

Trước đó, theo tính toán của các chuyên gia, mỗi lít xăng RON 95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Trong đó, giá nhập về đến cảng là 22.389 đồng, từ đây, giá được cộng thêm: thuế nhập khẩu 10% là 2.239 đồng (lấy tròn số), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.239 đồng, thuế GTGT 10% (trên giá bán) là 2.943 đồng, thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng, số còn lại là các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn.

Như vậy, riêng 4 loại thuế đã nêu, một lít xăng bán ra, người tiêu dùng đã phải trả hơn 9.400 đồng, tương đương hơn 29%. Chính vì vậy, về lý thuyết, riêng việc bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, giá xăng trong nước bán ra có thể được giảm hơn 9.000 đồng/lít.