>> Ổn định giá xăng, dầu: Vẫn chờ giảm thêm thuế

Trước đà tăng “nóng” của giá xăng dầu tác động mạnh mẽ lên đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp phiên bất thường để xem xét, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay theo thẩm quyền. Theo đó, sau ngày 11/7, mỗi lít xăng dầu được giảm thuế bảo vệ môi trường 500 – 1.000 đồng/lít, thế nhưng, cùng thời điểm chính sách có hiệu lực, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) lại thu mức tương đương từ 550 – 950 đồng/lít khiến dư luận vô cùng quan ngại.

sau ngày 11/7, mỗi lít xăng dầu được giảm thuế bảo vệ môi trường 500 – 1.000 đồng/lít, thế nhưng, cùng thời điểm chính sách có hiệu lực, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) lại thu mức tương đương từ 550 – 950 đồng/lít - Ảnh minh họa

Sau ngày 11/7, mỗi lít xăng dầu được giảm thuế bảo vệ môi trường 500 – 1.000 đồng/lít, thế nhưng, cùng thời điểm chính sách có hiệu lực, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) lại thu mức tương đương từ 550 – 950 đồng/lít - Ảnh minh họa

Mặc dù, tại phiên điều chỉnh ngày 11/7, giá xăng dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức giảm này vẫn chưa “thấm tháp” gì khi doanh nghiệp và người dân vẫn phải chịu nhiều áp lực nặng nề. Đáng nói, mức thu tương đương của Quỹ BOG khiến chính sách điều chỉnh thuế, phí đã được thông qua chưa tạo ra tác động.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, giá xăng dầu trong nước giảm ngày 11/7 là do giá thế giới giảm mạnh, chứ không phải do tác động chính sách của điều chỉnh thuế, phí.

Theo vị chuyên gia này, giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít, nhưng số tiền trích thu cho Quỹ BOG vẫn từ 550 - 950 đồng/lít, nghĩa là tương đương mức giảm thuế bảo vệ môi trường. Số tiền trích lập Quỹ BOG gián tiếp qua doanh nghiệp xăng dầu, đối tượng cuối cùng phải “cõng” vẫn là người tiêu dùng. Điều này chẳng khác gì điều hành xăng dầu theo kiểu “tay phải thả ra, tay trái thu lại”.

Thực tế, đánh giá về mức giảm của giá xăng dầu tại phiên 11/7, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng cho hay, nếu không phải trích Quỹ BOG, dưới tác động hỗ trợ của chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá xăng dầu trong nước rất có thể được giảm mạnh xuống dưới 5.000 đồng/lít.

>> Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo loạt vấn đề về xăng dầu

Giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí trong đó có vận tải hành khách đường bộ - Ảnh minh họa

Giá xăng dầu tăng cao suốt thời gian dài vừa qua đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí, trong đó có vận tải hành khách đường bộ - Ảnh minh họa

Giải thích về thực trạng đã nêu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính lý giải, việc vẫn thu Quỹ BOG ở mức cao là để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn…

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá xăng cao như hiện nay, việc Liên Bộ Tài chính - Công Thương trích nộp Quỹ BOG không chỉ không phù hợp, bởi điều này không tạo điều kiện giúp giá xăng dầu giảm sâu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua áp lực “bão giá”, mà còn làm giảm hiệu quả, hiệu lực của chính sách, khiến tác động giảm thuế bảo vệ môi trường không rõ rệt với giá xăng dầu.

Đáng nói, về lý thuyết, việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu là để “bù giá” cho người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng cao và về bản chất, “bù giá” chỉ là việc người tiêu dùng chi trả khoản tăng giá bán lẻ xăng dầu trước đó, khi giá thị trường tăng thật, thì chi quỹ BOG để mức tăng thấp. Tuy nhiên, thực tế, người dân vẫn phải chi tiền để mua dùng xăng dầu với mức giá cao, nhưng dòng tiền đã đi vòng qua doanh nghiệp từ trước.

Vì vậy, suốt từ năm 2011 tới nay, quỹ BOG liên tục bị nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ, và trên thực tế, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra một số điều chỉnh theo nội dung chính sách. Trong đó, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá (hiện nay chỉ tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu).

Được biết, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay. Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4280/VPCP-KTTH ngày 10/7/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái về việc triển khai Thông báo của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Nội dung văn bản nêu rõ, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1265/TB-TTKQH ngày 07/7/2022 về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và xét đề nghị của Bộ Tài chính về triển khai thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai ngay Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022, đảm bảo phát huy hiệu quả chính sách…

Vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít, nhưng trích thu cho Quỹ BOG vẫn từ 550 - 950 đồng/lít đã đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách điều chỉnh thuế, phí hay chưa? Trong khi đó, chi phí tăng cao đã và đang khiến người dân, doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn, áp lực. Điển hình như trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, gần một nửa tàu cá đã phải dừng hoạt động vì giá xăng dầu cao, hiện trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mà còn khiến doanh nghiệp khó khăn về đầu vào nguyên liệu.

Việc bình ổn giá xăng dầu được cho là vô cùng cấp thiết, bởi theo các chuyên gia, bình ổn giá xăng dầu hiện nay là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế, khi ngoài kiềm chế lạm phát, việc làm này còn thúc đẩy tăng trưởng, tạo cơ hội cho Việt Nam bứt phá.

Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt, kịp thời vào cuộc, các bộ ngành liên quan được giao trọng trách đừng để chính sách điều chỉnh thuế, phí… “vô nghĩa”.