Hợp xu hướng

Xây dựng chính quyền điện tử, thông minh là xu hướng của nhiều TP lớn trên thế giới, Thủ đô Hà Nội cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này. Hà Nội đã có nhiều chủ trương chính sách, nhiều mục tiêu để hiện thực hóa mô hình chính quyền điện tử đang được TP và các địa phương tích cực triển khai.

Theo Kế hoạch số 76/KH-UBND, đến năm 2025, Hà Nội phát triển mạng di động 5G để mọi người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố phục vụ người dân, doanh nghiệp.

T

Cần thiết phải ứng dụng CNTT vào giải quyết các thủ tục hành chính.

Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội. Hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh trên địa bàn; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố. Phát triển kinh tế số, phấn đấu giá trị kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm trên địa bàn; năng suất lao động tăng bình quân 7-7,5%/năm.

Đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền số thành phố Hà Nội. Hà Nội là hạt nhân liên kết mạng lưới đô thị thông minh Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực ASEAN. Kinh tế số phát triển mạnh mẽ, phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm 40% tổng sản phẩm trên địa bàn; năng suất lao động bình quân đạt 7,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á. Thành phố có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Muốn vậy, phải giải quyết được câu chuyện thái độ cán bộ, công chức phiền nhiễu người dân là câu chuyện muôn thuở, nhưng không thay đổi nhiều do các biện pháp xử lý phổ biến vẫn là động viên, khích lệ, kêu gọi. Như thế thì không đủ.

Hà Nội muốn xây dựng chính quyền đô thị và hướng tới đô thị thông minh thì phải ứng dụng công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính mang lại sự hài lòng cho người dân. Thành phố thông minh đồng hành với nền hành chính hiện đại, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi mối quan hệ giữa công chức và công dân, giải quyết công việc nhanh hơn.

Sự cần thiết

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính quyền điện tử còn đảm bảo tính công khai, minh bạch giúp người dân và doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa doanh nghiệp và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.

 

Thực tế, trong thời gian qua, TP đã xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công TP, hệ thống một cửa dùng chung ba cấp giúp cho người dân tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuận tiện, tiết kiệm, đồng thời giúp cơ quan quản lý điều hành, kiểm soát TTHC tốt hơn.

Cổng giao tiếp điện tử TP được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND TP, tích hợp kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng theo quy định.

Dẫu vậy, cần phải nhìn nhận lại, với các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đang gặp phải những thách thức vô cùng lớn từ tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề về quy hoạch, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, ô nhiễm môi trường... Và những khó khăn thách thức này chỉ có thể được giải quyết căn bản nếu phát triển theo định hướng đô thị thông minh..

Và để xây dựng, phát triển được chính quyền điện tử hướng tới TP thông minh, từ TP đến sở, ngành, quận, huyện, xã, phường đang tích cực hoàn thiện hạ tầng CNTT, tăng kết nối trong xử lý công việc nội bộ và giải quyết TTHC, hình thành những “công dân điện tử”.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công nghệ, đô thị số và an ninh nội địa của Dell EMC Martin C. Yates còn cho rằng: “Đã tới lúc các đô thị Việt Nam phải lựa chọn và đưa ra những giải pháp đột phá nhằm xây dựng đô thị thông minh. Nếu chậm trễ sẽ mất đi cơ hội phát triển tương xứng, đồng bộ với khu vực và thế giới”.

Muốn có một đô thị thông minh, trước hết phải có một chính quyền điện tử, quản lý, vận hành đô thị bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước.

Có thể nói, chính quyền điện tử phù hợp với đô thị có mật độ dân cư cao, khắc phục được tầng nấc trung gian, hướng tới chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ dân tốt hơn, giải quyết công việc nhanh hơn. Đặc biệt, nó hạn chế được tình trạng tham nhũng.

Với chiến lược này, Hà Nội đang đi đúng hướng và nó sẽ giúp Hà Nội phát triển, cũng có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.