Dư luận cho rằng, TP Hà Nội đề xuất với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng.

 Biệt thự bỏ hoang xây dở từ hàng chục năm trước tại khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức).

Biệt thự bỏ hoang xây dở từ hàng chục năm trước tại khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức).

Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, để “triệt” được biệt thự bỏ hoang, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất. Ở nước ngoài, người ta đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế cao. Như vậy không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê.

"Ở ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần. Cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm. Thuế nhà đất như hiện nay chỉ ở mức 0,15% giá trị nhà đất không thể chống được đầu cơ” - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

KĐT Bảo Sơn với hàng trăm căn biệt thự

KĐT Bảo Sơn với hàng trăm căn biệt thự "triệu đô" đã bỏ hoang hóa nhiều năm. Ảnh: Lê Sáng

Trên thực tế, đây là vấn đề tồn đọng từ lâu tại Hà Nội. Ngay từ năm 2012, UBND TP Hà Nội cũng đã từng nêu đề xuất này, thế nhưng hiện nay mới chỉ có quy định đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% mà chưa có quy định nào đối với nhà biệt thự bỏ hoang.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Bất Động Sản EZ Việt Nam lại cho rằng, việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang là không khả thi bởi chưa có quy định cụ thể trong Luật, thay vào đó nên xem xét thu thuế tài sản cao để ngăn chặn đầu cơ ngay từ ban đầu. Việc đánh thuế với nhà bỏ hoang sẽ vi phạm quyền sở hữu của Luật Dân sự.