Mới đây, TP Hà Nội ban hành công văn số 2861/UBND-KT trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm để kiến nghị UBND TP xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định.

nhiều dự án sau cả chục năm vẫn trong tình trạng “án binh bất động”, để lại nhiều hệ lụy tới sự phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh.

Nhiều dự án sau cả chục năm vẫn trong tình trạng “án binh bất động” (Ảnh: Dự án treo Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai)

TRĂM NGÀN LÝ DO... "TREO"

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, thành phố đang có 383 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất, có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; đáng chú ý, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Những quận, huyện có số dự án trễ tiến độ nhiều nhất phải kể đến là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…

Chia sẻ về những dự án trễ tiến độ trên địa bàn, ông Ðỗ Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất, thì sẽ được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi. Thế nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều lý do để trốn tránh việc thu hồi dự án.

Dẫn chứng tại huyện Mê Linh, ông Toản cho biết, nhiều dự án được cấp phép từ những năm 2003, 2004, nhưng tới nay vẫn chưa triển khai. Tổng diện tích các dự án đô thị chậm triển khai ở Mê Linh lên tới 1.905 ha, đặc điểm chung là các dự án này đều tìm mọi cách kéo dài thời gian triển khai, chậm xây dựng các hạng mục như thuyết minh trong hồ sơ dự án.

Dự án khu nhà ở Minh Đức tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) treo nhiều năm.

Dự án khu nhà ở Minh Đức tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) treo nhiều năm

“Có những dự án không triển khai bất cứ hạng mục nào, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì vội vàng làm quấy quá vài công đoạn, cán bộ kiểm tra vừa về thì máy móc, công nhân cũng rút hết. Một số chủ đầu tư khác thì dùng tôn quây kín dự án, bên ngoài dựng một vài tấm pa-nô lớn với hình ảnh phối cảnh để tránh bị nhòm ngó” – ông Toản cho biết.

Ở góc độ pháp luật, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, theo khái niệm pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đã đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, các dự án “treo” sẽ bị Nhà nước thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn.

"Luật Đất đai 2013 thì rẽ sang giải pháp khác: Dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn bị “treo” thì Nhà nước thu hồi đất và “tịch thu” toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất. Trong khi đó, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án treo" - theo GS. Đặng Hùng Võ.

CƠ QUAN QUẢN LÝ THIẾU KIỂM SOÁT

TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án…, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội. 

“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua rõ ràng là nguồn quỹ đất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng nhiều dự án bị bỏ hoang, mới đây TP Hà Nội đã đề xuất đánh thuế hoặc xử phạt nặng đối với chủ sở hữu các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, không đưa vào sử dụng.

Cụ thể, thành phố đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế bất động sản bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Nếu sau 1 năm, bất động sản vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị.

Tuy nhiên, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hơn 10 năm nay đề xuất đánh thuế bất động sản bỏ hoang vẫn chưa thể triển khai trong thực tiễn bởi cơ quan quản lý đang vướng ở chỗ không tìm ra cách chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở. Bên cạnh đó, hiện đang có một khoảng trống lớn về cơ sở dữ liệu đất đai dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và bỏ lọt các đối tượng chịu thuế. 

CỤ THỂ HOÁ CÁC TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Hà Nội cho hay Sở đang tiếp tục kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án để kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án chây ì, vi phạm.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân tại các dự án treo bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh: Người dân tại dự án treo Thịnh Liệt)

Cuộc sống sinh hoạt của người dân tại các dự án treo bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh: Người dân tại dự án treo Thịnh Liệt) 

Ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Sẽ không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Đồng thời, yêu cầu các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án trên địa bàn Hà Nội cam kết thực hiện đúng tiến độ các công trình đã được phê duyệt, có kế hoạch, lộ trình cụ thể khắc phục các vi phạm.

"Có giải pháp đồng bộ trong xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án dù đã giải phóng mặt bằng xong và sớm đưa đất đã thu hồi vào sử dụng theo đúng mục đích, quy hoạch..." - lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định.

Về lâu dài, GS Đặng Hùng Võ đề xuất, cần hoàn chỉnh cơ chế nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư. Cần cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bỏ đi các tiêu chí hình thức như “chứng minh tài khoản của mình có bao nhiêu tiền”, cần học tập kinh nghiệm của các nước phát triển đưa ra các tiêu chí gắn với báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo kiểm toán hằng năm.