>> Chia sẻ xe đạp và những bài học cay đắng

 Du khách dừng chân tại đê sông Hồng khi trải nghiệm đạp xe quanh Hà Nội. (Ảnh: Vương Hà)

Du khách dừng chân tại đê sông Hồng khi trải nghiệm đạp xe quanh Hà Nội. Ảnh: Vương Hà/dangcongsan.vn

TP Hà Nội vừa đồng ý chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn; thời gian thí điểm là 12 tháng, tại 6 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân. Chủ trương này nhận được những bàn luận sôi nổi, cả từ phía ủng hộ cũng như phản đối, cho dù đến nay chưa rõ hình hài của phương án này sẽ như thế nào.

Dự kiến đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ đưa vào hoạt động 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) đặt tại 94 địa điểm trên 6 quận; nhà xe được thu phí sử dụng dịch vụ và không phải trả tiền thuê vỉa hè; tổng đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Chi phí cho mỗi lượt thuê (30 phút) là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện.

Đây không phải lần đầu chủ trương thí điểm mô hình xe đạp đô thị. Mà 8 năm trước (2014), Hà Nội đã thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại Đại học Công nghiệp, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương, với kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn nhiên liệu, vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy vậy chỉ sau một thời gian rất ngắn các dịch vụ này đã đắp chiếu do thiếu nguồn lực duy trì dịch vụ, dẫn đến chất lượng thấp và không có người dùng.

Nhìn rộng ra, nhiều dự án xe đạp công cộng tại một số thành phố ở Trung Quốc đã thất bại do không xây dựng được quy tắc đỗ xe đạp trong không gian công cộng và bỏ bê chi phí bảo trì, dẫn đến dịch vụ thiếu bền vững.

Theo tính toán, chi phí duy trì chất lượng dịch vụ của hệ thống xe đạp ở Pháp cần hơn 2.000 USD/xe mỗi năm, ở Đài Bắc (Trung Quốc) khoảng 800 USD. Hà Nội nếu thực sự nghiêm túc trong việc phát triển xe đạp công cộng thì cần dự trù chi phí bảo trì trong 12 tháng thí điểm; giả sử là 800 USD/xe thì với 1.000 xe sẽ cần 20 tỷ đổng.

Việc nhiều ý kiến cho rằng phát triển xe đạp không phù hợp với Hà Nội là dễ hiểu, vì điều kiện thời tiết Việt Nam nóng ẩm khác với châu Âu mát mẻ; thực trạng giao thông hỗn hợp, các tuyến đường chính trong đô thị đều quá tải, thường xuyên ùn tắc, khói bụi nên xe đạp là phương tiện rủi ro; việc sử dụng xe đạp sẽ rất khó khăn do thiếu tính kết nối với các phương tiện công cộng khác...

Hơn nữa, với thực tế vỉa hè dành cho người đi bộ còn… không có mà đi và những bất cập trong thí điểm xe buýt nhanh (BRT), nhiều người sẽ nghiêng về tâm lý phản đối; nhất là khi cái mới chưa được thông tin cụ thể, có lộ trình và tầm nhìn rõ ràng.

Loại hình xe đạp công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Loại hình xe đạp công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

>> TP HCM thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cần có dịch vụ xe đạp công cộng góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện... Dịch vụ xe đạp công cộng là một phương án tốt bảo đảm phục vụ người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hóa trong phát triển giao thông công cộng.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Trên thực tế, các nước phát triển đã triển khai dịch vụ này từ lâu và duy trì rất tốt. Thực tế cho thấy, mô hình xe đạp công cộng rất thành công và ngày càng trở nên cần thiết, đặc biệt là với những đô thị lớn, hiện đại như Hà Nội. Ở Việt Nam, TP Hồ Chí Minh cũng đã có xe đạp công cộng và đang được người dân ủng hộ rất nhiệt tình”.

Thừa nhận rằng, đây là mô hình văn minh, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: Liệu việc phát triển hệ thống xe đạp công cộng của Hà Nội có khả quan? Làm thế nào để duy trì, phát triển hệ thống phương tiện này chứ không chỉ dừng lại ở thí điểm?

Do đó, để loại hình này phát triển, nhà nước có thể đưa ra cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư, cung cấp dịch vụ cho thuê xe sao cho chi phí đi xe đạp điện rẻ hơn đi xe máy. 

Đồng thời, tiêu chí đầu tiên khi đặt trạm là phải có kết nối với loại phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, tàu điện, gần các khu dân cư đông người, khu mua sắm, trường học, bệnh viện… Khi đó, người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, an toàn thuận lợi nhất khi thuê và trả xe. Ngoài ra, đồng bộ về hệ thống quản lý cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người sử dụng tham gia giao thông có ý thức sử dụng văn minh.

Rõ ràng, trong tương lai không xa, khi thành phố triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì sẽ thúc đẩy người dân đi bộ, đi xe đạp, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn trong đô thị.

Vì thế, việc phát triển xe đạp nội đô là cần thiết trong chiến lược phát triển giao thông công cộng, với điều kiện cần gắn kết các loại hình phương tiện hỗ trợ nhau trong mạng lưới quy hoạch chung.