>>Siết hay không siết tín dụng bất động sản?

Sau hơn 1 năm sốt đất điên đảo, nhất là những khu vực có dự án lớn, giá đất tại Hà Tĩnh "nhảy múa" đến chóng mặt và được nâng lên từng ngày.

Thế nhưng, khoảng gần 1 tháng nay, thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh bắt đầu “hạ nhiệt”, các nhà đầu tư nhanh tay thanh khoản các đất đã ôm và tháo chạy khỏi thị trường bất động sản, tình trạng bỏ cọc cũng xuất hiện ở khắp nơi.

Thị trường bất động sản hạ nhiệt, các nhà đầu tư nhanh chóng thanh khoản và tháo chạy

Thị trường bất động sản hạ nhiệt, các nhà đầu tư nhanh chóng thanh khoản và tháo chạy

Chị Hoàng Thị Ngân (huyện Thạch Hà) cho biết: “Khoảng 1 tháng trước tôi rao bán lô đất 140m2 với giá 1,3 tỷ đồng. Thời điểm đó, rất đông khách vào hỏi mua nhưng tôi từ chối vì đã có khách đến đặt cọc 100 triệu đồng. Sau thời hạn 20 ngày, vị khách này thông báo không lấy lô đất này nữa và chấp nhận bỏ cọc. Tuy nhiên, lúc này thị trường bất động sản đã chững lại, tôi đành tiếp tục rao bán nhưng không có ai hỏi mua”.

Còn chị Nguyễn Thị H., một “cò” đất tại Tp. Hà Tĩnh chia sẻ: “Khoảng gần 1 tháng nay giao dịch về đất đai giảm mạnh. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ những người vay ngân hàng thì mới giảm giá để thu hồi vốn, còn đa phần những người có tiềm lực tài chính đều giữ lại không bán”.

Theo một số chuyên gia, khoảng gần 2 năm nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đầu tư gặp nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng xuống thấp, người dân sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh, buôn bán trở lại bình thường, các nhà đầu tư có xu hướng bán tháo khi thị trường dần giảm nhiệt.

Ngoài ra, việc ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường, chính quyền địa phương thắt chặt việc chuyển đổi mục đích, phân lô tách thửa, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng khiến thị trường bất động sản hạ nhiệt.

Ngân hàng siết vay là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản chững lại

Ngân hàng siết vay là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản chững lại

Để siết chặt việc mua bán bất động sản theo hình thức “lướt sóng”, Cục Thuế Hà Tĩnh tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp. Yêu cầu các Chi cục Thuế phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã  trong tỉnh quản lý nhằm chống thất thu thuế.

Ông Trương Quang Long, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung nhấn mạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, chế tài xử phạt về thuế, hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế. Vận động người nộp thuế khi tham gia giao dịch BĐS thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh và chuyển nhượng; thực hiện khai thuế, nộp thuế theo đúng giá thực tế giao dịch, đúng thời hạn quy định của pháp luật thuế.

Đồng thời, Cục Thuế sẽ phối hợp với các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng khi lập hồ sơ pháp lý, công chứng các hợp đồng giao dịch bất động sản phải kê khai giá theo đúng giá thực tế chuyển nhượng.