Khoảng 200m đê chắn sóng đoạn đi qua thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) đã bị sóng đánh vỡ, hàng chục nghìn khối đất phía ngoài chân đê bị nước cuốn trôi.

Tại chân đê, một khối lượng lớn đá bị sóng cuốn phăng, khay móng bị đứt gãy hoàn toàn tạo thành những hàm ếch rất nguy hiểm. Phần mái đê được gia cố bằng những mảng bê tông lớn cũng bị sóng cuốn trôi, xuất hiện những vết gãy dài hơn chục mét.

Chân bờ đê bị sụt lún, nứt toác, tạo thành những hàm ếch rất lớn

Chân bờ đê bị sụt lún, nứt toác, tạo thành những hàm ếch rất lớn

Đoạn bị sạt lở tập trung từ k59+200 đến k59+400, có chiều dài gần 200m. Đoạn đê này hoàn thành vào năm 2015, là một phần của dự án kè biển chống xâm thực có chiều dài 9km với số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Tuyến đê biển này rất quan trọng, bảo vệ 1.500 dân sinh sống phía trong đê. Đồng thời đê còn có nhiệm vụ chắn sóng, phục vụ người dân sản xuất. Hiện có khoảng 200m đê bị sóng đánh làm sạt lở, cần phải có phương án hàn gắn lại phần đê đã bị hư hỏng”.

Được biết, sự việc này xảy ra vào khoảng tháng 9/2019. Sau đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Lộc Hà tiến hành kiểm tra và tìm phương án khắc phục.

Chính quyền huyện Lộc Hà đã cho gia cố tạm thời bằng những rọ đá nhưng cũng bị sóng cuốn phăng

Chính quyền huyện Lộc Hà đã cho gia cố tạm thời bằng những rọ đá nhưng cũng bị sóng cuốn phăng

Tại báo cáo đánh giá của Viện khoa học và thủy lợi nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở tuyến để này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi địa hình địa mạo, dẫn đến co hẹp, tăng tốc dòng chảy. Đặc biệt, sau khi xây dựng tuyến đường ven biển đi qua đoạn đê đã làm thay đổi dòng chảy của khu vực này. Ngoài ra, địa chất vùng ven biển chủ yếu là cát nên dễ gây hiện tượng sói lở dưới chân đê.

Theo một cán bộ huyện Lộc Hà, đây là vùng cửa sông gắn với vùng cửa sông ở Cửa Sót (thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà). Từ những năm 90, hai cửa sông này xuất hiện hiện tượng biến đổi dòng chảy rất lớn, nhất là trong những năm gần đây. Tháng 9/2019, một phần tuyến đê bị sạt lở, sau khi tiến hành kiểm tra, huyện đã trích một phần kinh phí gia cố bằng rọ đá. Tuy nhiên, sau một thời gian những rọ đá này cũng bị sóng biển cuốn phăng.

Hiện ngành chức năng đã phê duyệt kinh phí khoảng 7 tỷ đồng để gia cố lại phần đê đã bị hư hỏng. Nguồn kinh phí này được trích từ quỹ phòng chống thiên tai, do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ tổ chức đấu thầu để thực hiện gia cố đoạn đê bị hư hỏng này.