Doanh nghiệp Hà Tĩnh hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, xây dựng, vận tải, du lịch...

Doanh nghiệp Hà Tĩnh hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, xây dựng, vận tải, du lịch... (Ảnh minh họa)

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 6.220 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP.

Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp Hà Tĩnh hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm trên 98%).

Theo ông Hoàng Trung Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh, hiện nay, đa số các doanh nghiệp còn hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và cả kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Ông Thông cho rằng, doanh nghiệp Hà Tĩnh chỉ đông về “lượng” nhưng còn hạn chế về “chất”, do vậy, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu.

Những năm gần đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có kế hoạch triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp như tăng cường hoàn thiện các trang thông tin điện tử; Sở Tư pháp đã phát hành các tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp - nông thôn; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn, hội thảo và tư vấn cho các hội viên về tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh…

Được biết, thời gian qua, nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình gia nhập thị trường tốt, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể như: Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các Nghị quyết 65/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017, 87/2018/NQ-HĐND; ngày18/7/2018 số: 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 và số: 86/2018/NQ-HĐND ngày18/7/2018 tập trung hỗ trợ về đầu tư hạ tầng khu cụm công nghiệp, hỗ trợ lãi suất, khoa học công nghệ, hỗ trợ lệ phí cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh thành lập mới...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế. Việc đón nhận các chương trình tập huấn, hội thảo triển khai các chính sách ưu đãi và nhận thức từ phía doanh nghiệp cũng còn hạn chế.

Theo Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh, một chủ doanh nghiệp có thể không giỏi ngoại ngữ hay tin học nhưng trong bộ máy nhất định phải có chuyên gia mạnh về vấn đề này. Cũng như cần biết về quản trị kinh doanh, tìm hiểu kỹ thị trường. Về chính sách, hiện nay Nhà nước có rất nhiều chính sách nhưng đa số các doanh nghiệp ít tìm hiểu, tiếp cận.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cho rằng, để người dân, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp, HTX tiếp cận được các chính sách này trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức đoàn thể liên quan cần tuyên truyền phổ biến để các thành phần kinh tế này nắm được các chính sách ưu đãi của tỉnh.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh, hiện nay vấn đề hỗ trợ thông tin pháp lý đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Trong việc phổ biến các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp điều cần nhất không chỉ là tuyên truyền, phổ biến mà doanh nghiệp còn cần được tư vấn để vận dụng được các chính sách đó vào từng dự án, công việc cụ thể.  Thực tế, khi doanh nghiệp tìm hiểu thì thường được giải đáp một cách chung chung”, ông Hoàng Trung Thông cho biết.