Thời gian qua, do ảnh hưởng mưa bão, tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) đã xảy ra tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng. Hàng ngàn khối đất cùng những tảng đá khổng lồ tràn xuống dưới chân núi vùi lấp đường đi và nhiều diện tích ruộng sản xuất.

Hàng ngàn khối đất cùng những tảng đá khổng lồ tràn xuống dưới chân núi xã Cẩm Lĩnh

Hàng ngàn khối đất cùng những tảng đá khổng lồ tràn xuống dưới chân núi xã Cẩm Lĩnh

Theo người dân kể lại, tình trạng sạt lở xảy ra vào chiều ngày 19/10, sau khi nghe tiếng nổ lớn như sấm, nhà cửa rung lắc, người dân chạy ra thì phát hiện khu vực núi Chai (thuộc thôn 6) hàng ngàn khối đất đá khổng lồ tràn xuống dưới chân núi. Tình trạng sạt lở kéo dài đến hơn 19h cùng ngày mới kết thúc.

Chưa hết bàng hoàng, ông Lê Ngọc Thủy kể lạị giây phút chứng kiến hàng ngàn khối đất đá đổ xuống. Gia đình ông Thủy có 5 người sống sát chân núi Chai, lúc đang ăn cơm để đưa vợ con đi trú thì nghe tiếng nổ lớn. Ông Thủy vội chạy ra trước nhà thấy đất đá ào ào đổ xuống, chỉ trong tích tắc, toàn bộ diện tích ruộng, ao cá của gia đình bị vùi lấp, con đường vào nhà cũng bị “xóa sổ”. Ông vội đưa vợ con băng cánh đồng phía sau chạy trốn.

“Tôi lên đây sinh sống và làm trang trại cả chục năm nay chưa bao giờ xảy ra sạt lở kinh hoàng như thế này. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ám ảnh, sạt lở chỉ cách nhà khoảng gần 100m thôi, lúc đó chắc cả gia đình tôi 5 người sẽ không còn ai sống sót”, ông Thủy nhớ lại.

Hơn 5ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ, đất trồng cây lâm nghiệp và hàng trăm mét kênh mương, đường nội đồng bị san phẳng

Ông Nguyễn Tiến Hạnh cho rằng chưa bao giờ ở khu vực này xuất hiện tình trạng sạt lở kinh hoàng như thế này

Chỉ về những thửa ruộng bị đất đá vùi lấp sâu cả mét, ông Nguyễn Tiến Hạnh, Bí thư chi bộ thôn 6 cho biết: “Vụ sạt lở đã khiến 5ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ, đất trồng cây lâm nghiệp và hàng trăm mét kênh mương, đường nội đồng bị san phẳng. Việc khôi phục lại số diện tích đất sản xuất này rất khó khăn bởi ngoài đất đổ xuống với độ dày hơn 1 mét thì những khối đá to cũng bị cuốn xuống khu vực này”.

Tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh, mưa lớn cũng làm sạt lở hàng loạt đồi núi khiến hơn 200 ha đất lúa, đất màu và một số diện tích đất ven đồi trồng cây ăn quả bị vùi lấp. Thiệt hại nặng nhất là các xã như Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Tây… với hàng trăm diện tích rừng tràm và quýt bản địa lâu năm bị hư hỏng.

Hơn 5ha ruộng hai lúa bị đất đá san phẳng

Hơn 5ha ruộng hai lúa bị đất đá san phẳng

Theo người dân xã Lâm Hợp, việc sạt lở núi xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 21/10, lúc đó mọi người đang ngủ thì nghe tiếng nổ rầm rầm, nhiều gia đình phải tháo chạy ra khỏi nhà thì phát hiện quả đồi phía sau đã bị sạt lở. Những người cao tuổi cho hay họ chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở núi nhiều và nghiêm trọng như thế này.

Ngoài ra, các điểm sạt lở núi đã làm hàng nghìn mét khối đất đá, nhiều cây cối trôi về hạ nguồn, vùi lấp gần 200 ha đất trồng lúa và hoa màu của các xã Kỳ Thượng, Lâm Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn.... Đáng lo ngại nhất là hầu hết các diện tích đất bị vùi lấp với độ dày từ 1 – 2m nên rất khó phục hồi.

Nhiều diện tích bị vùi lấp với bề dày từ 1 - 2m nên rất khó khôi phục sản xuất

Nhiều diện tích bị vùi lấp với bề dày từ 1 - 2m nên rất khó phục hồi

Hiện UBND huyện Kỳ Anh đã lên phương án khắc phục các diện tích bị ảnh hưởng. Đối với những diện tích bị vùi lấp ít, huy động lực lượng hỗ trợ san gạt để kịp đưa vào sản xuất trong vụ xuân năm 2021. Đối với diện tích có thể cải tạo, huyện sẽ huy động nguồn lực và kiến nghị tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để đào xúc, cải tạo đất giúp người dân sản xuất trong vụ xuân 2020. Đối với diện tích không thể khôi phục thì xây dựng phương án và đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề.

 Tâm Đan