Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

Cụ thể, khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025.

Các biện pháp này được kỳ vọng có thể tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ. Đồng thời, giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ duy trì một số hoạt động kinh tế để vượt qua thời kỳ đại dịch. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cam kết thúc đẩy chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19, vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.

Theo bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, với quy mô số tiền kích thích hiện tại, lạm phát của Mỹ sẽ đạt khoảng 2,25% vào năm 2022. Bà đánh giá mức này không có gì đáng lo ngại.

Thậm chí, khoản viện trợ của Chính phủ Mỹ sẽ đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng từ 5-6% trong vòng ba năm, giúp phục hồi mức suy giảm 3,5% vào năm 2020. Như Aaron Sojourner, một nhà kinh tế tại Trường Quản lý  Twin Cities' Carlson của Đại học Minnesota phân tích, khi những người nhận viện trợ liên bang tăng mua hàng hóa và dịch vụ, các doanh nghiệp sẽ thiết lập sản xuất và thuê nhiều nhân công hơn. Điều này sẽ làm tăng sản lượng và gây áp lực lên giá cả.

Đổi lại, những công nhân mới được thuê cũng tăng chi tiêu của họ, dẫn đến tăng sản lượng và áp lực tăng giá hơn nữa. Kết quả là dẫn đến sự gia tăng GDP thực tế.

Đồng thời, với giả định rằng việc hỗ trợ bổ sung cho việc ngăn chặn và tiêm chủng COVID-19 trong gói cứu trợ đạt được hiệu quả, kỳ vọng việc giãn cách xã hội sẽ giảm dần trong ba quý tới; đến tháng 10/2021 Mỹ sẽ không còn phải duy trì các biện pháp giãn cách một cách quá nghiêm ngặt.

Dự kiến, khoản 750 tỷ USD trong gói cứu trợ được phân bổ cho việc ngăn chặn và tiêm chủng COVID-19, viện trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương, và tăng chi tiêu liên bang sẽ đạt hiệu quả lớn nhất. Do lộ trình dự kiến của chi tiêu liên bang và tác động ước tính của những chi tiêu đó, mức tăng GDP lớn nhất dự kiến sẽ xảy ra vào quý 4/2021.  

Gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 của quốc gia này.

Gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 của quốc gia này.

Măc dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng, số tiền 1.900 tỷ USD là quá lớn. Ngay cả những nhà kinh tế thuộc đảng Dân chủ bày tỏ quan ngại về khả năng giá cả sẽ tăng đột biến. Giá cả tăng cao sẽ làm xói mòn sức mua, trong khi lãi suất cao hơn để kiểm soát lạm phát sẽ khiến chi phí đi vay leo thang giữa lúc nền kinh tế đã ngập trong nợ nần vì tác động từ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Moody's dự báo, việc làm sẽ không được phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2022, ngay cả khi gói kích thích tài chính của chính quyền ông Biden được tung ra. "Chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của GDP, nhưng phải mất 18-24 tháng để khôi phục hoàn toàn các công việc đó", Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cảnh báo - "Rất nhiều người không thể đi làm trở lại cho đến khi đại dịch kết thúc”.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch và phân phối vắc xin diện rộng, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn. Nói rộng hơn, hàng triệu hộ gia đình Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc hỗ trợ tài chính kéo dài cho những người thất nghiệp cũng như các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Hiện tại, không rõ bao nhiêu trong số 1.900 tỷ USD sẽ được Thượng viện Mỹ thông qua khi nhiều Nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự phản đối gói cứu trợ. Các chuyên gia đến từ IHS Markit cho rằng con số cuối cùng có thể gần 1.000 tỷ USD, trong khi Moody's ước tính khoảng 750 tỷ USD. Nhưng với việc đảng Dân chủ đang nắm giữ ưu thế, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Có thể nói, chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh hơn là gói kích thích. Do đó, Mỹ cần triển khai thành công chương trình tiêm chủng vắc xin và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh tế và xã hội. Và đó là sẽ là một con đường rất dài mà chính quyền Mỹ mới đang ở điểm bắt đầu.