Tuy nhiên, con đường trở về phố Núi của HAG cũng khá gập ghềnh khi mảng kinh doanh chính vẫn dựa vào trái cây và thực hiện kế hoạch trả nợ đầy gấp gáp.

 Lợi nhuận của HAG ngày càng giảm sút.

Lợi nhuận của HAG ngày càng giảm sút.

Bán tài sản để tái cơ cấu

Giai đoạn 2008-2010, HAG là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa thị trường với trên 22.000 tỷ đồng. Nếu so với bây giờ thì giá trị đó không thể so bì, bởi hiện “nhắm mắt quờ” cũng ra doanh nghiệp vốn hóa hơn 20 ngàn tỷ đồng.

Nhưng khi đó, vốn hóa toàn thị trường mới chỉ hơn 700.000 tỷ đồng; còn đến cuối năm 2020, vốn hóa toàn thị trường đã lên tới 5,3 triệu tỷ đồng.

Ở thời kỳ đỉnh cao đó, HAG đã có dấu hiệu “cưỡi cọp” khi tài sản tăng, giá trị doanh nghiệp dựa trên vốn nợ và nợ phải đã lên tới hơn 15.000 tỷ đồng năm 2011. Tới năm 2015, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp lên tới trên 30.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản chỉ hơn 47.000 tỷ đồng và tập đoàn này vẫn tiếp tục có chiến lược đầu tư mở rộng. Và doanh nghiệp này đã theo hướng “tên đã lên cung”, xoay xở cho đến khoảng 4 năm trở lại đây, mới thực hiện chiến lược bán dần các tài sản, dự án, trả bớt nợ - thực thi tái cơ cấu.

2.383 tỷ đồng là lỗ ròng hợp nhất của HAG trong năm 2021, trong khi lỗ ròng hơn 1.800 tỷ đồng năm 2019.

Thương vụ bán Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cho tỷ phú Trần Bá Dương với giá hơn 27.000 tỷ đồng là cú bấm chốt giúp HAG có cơ hội chuyển mình. Sau cú bán nốt cổ phần tại HNG để trở thành cổ đông lớn chỉ còn nắm hơn 16%, HAG trả tiếp nợ HDBank- tạm thời nhẹ gánh nợ vay và tính chuyện mới.

Con đường làm lại có quá xa?

Ngay sau quyết định trả nợ và không còn dây dưa hợp nhất với HNG, HAG đã đăng ký triển khai 3 dự án với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng tại Kon Tum. Cần nhớ rằng trước tách tỉnh, Kon Tum thuộc Gia Lai và là một phần của phố Núi. Điều khá thú vị là ở thời thực dân Pháp, Kon Tum từng trực thuộc tòa công sứ do Bình Định quản lý. Ông Đoàn Nguyễn Đức, Chủ tịch HAG được biết là một trong những doanh nhân nổi tiếng có gốc gác Bình Định.

Về mặt địa lý, HAG đi từ phố Núi và trở về phố Núi. Với 3 dự án vừa đăng ký, ông Đoàn Nguyên Đức cũng đang hướng mũi phát triển của HAG vào các lĩnh vực mà ông từng bắt đầu khởi nghiệp, đó là các hoạt động đầu tư gắn liền với gỗ (gồm trồng rừng, làm gỗ…). Trong lịch sử, HAG bắt đầu từ một xưởng mộc. Vì vậy, có thể nói HAG tuy không phải dạng khởi nghiệp, nhưng lại đang tái cơ cấu và làm lại từ đầu.

Trên thực tế, ngoài vị thế của một doanh nghiệp từng là biểu tượng của nền kinh tế, giá trị nhân hiệu của ông Đoàn Nguyên Đức, các mối quan hệ hợp tác kinh tế, kinh nghiệm lâu năm trên thường, HAG vẫn còn lại rất nhiều “tài sản”. Đó là các mảng kinh doanh chăn nuôi heo, mủ cao su và trái cây đang kinh doanh riêng ngoài HNG.

Mặc dù vậy, việc trở về cốt lõi của HAG vẫn đầy thách thức khi mảng doanh thu chính dựa vào trái cây chưa thể ổn định và bù đắp dòng tiền. Công ty còn khoản lỗ lũy kế hơn 6.500 tỷ đồng ở cuối 2020 bên cạnh nơ ngắn hạn tương đương. Kế hoạch trả nợ gấp gáp như đã thấy, sau nhiều năm nợ dây dưa, được cho là chuyện phải đến trong tái cơ cấu, nhưng cũng là một cách để HAG thoát tình trạng vi phạm cam kết hợp đồng vay và nợ trái phiếu. Đường trở về cốt lõi của HAG vì vậy, sẽ còn rất gập ghềnh.