Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết: công ty đang cần tuyển gấp khoảng 6.000 lao động phổ thông, nhưng không thể tuyển đủ theo nhu cầu. Hiện hơn 3.000 lao động tỉnh ngoài vẫn chưa quay trở lại làm việc. Công ty cũng đã có nhiều giải pháp để tuyển dụng như tăng tất cả chi phí tuyển dụng, đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), đăng tải tuyển dụng trên trang Facebook của công ty nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Để khuyến khích người lao động ứng tuyển, công ty còn thông báo sẽ thưởng từ 2-6 triệu đồng cho lao động mới vào làm. 

Được biết, công ty TNHH May Tinh Lợi có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trong các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Đây cũng là doanh nghiệp có số lượng lao động lớn của tỉnh Hải Dương với gần 15.000 người. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất 6 tháng đầu năm, kéo theo thiệt hại của công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty này đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Hiện tỉnh Hải Dương có trên 40 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khoảng 23.460 lao động

Hiện tỉnh Hải Dương có trên 40 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khoảng 23.460 lao động

Một doanh nghiệp khác trong KCN Đại An là công ty TNHH Sumidenso Việt Nam cũng đang gặp khó khăn tương tự. Doanh nghiệp này có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên sản xuất, kinh doanh mạng dây điện, điện tử sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử và ô tô. Công ty có khoảng 11.500 CNLĐ, nhưng mới có khoảng 60% số lao động đi làm trở lại.

Từ đầu tháng, công ty bắt đầu tuyển dụng từ 200-300 lao động, nhưng đến ngày12/3 mới tuyển được 60 lao động. Để bảo đảm lượng hàng giao cho các đối tác, công nhân phải tăng ca, làm thêm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất lao động. Công ty vẫn đang tích cực đăng tải tuyển dụng lao động trên trang Facebook của doanh nghiệp; đồng thời vận động người lao động đang làm việc tại công ty giới thiệu người thân, bạn bè đến ứng tuyển. 

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương, hiện có trên 40 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khoảng 23.460 lao động. Trong tháng 2 chỉ có 684 người đăng ký tìm việc làm qua trung tâm. Trung tâm đã giới thiệu được 432 người, trong đó 183 người đã có việc làm.

Toàn tỉnh có 13.600 doanh nghiệp với 370.355 lao động. Trong đó có 234 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với 108.523 lao động. Qua rà soát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trước Tết Nguyên đán, 505 doanh nghiệp có tổng số 244.290 lao động làm việc, đến ngày 10.3 mới có 318 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với 115.478 CNLĐ đi làm. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương thì việc các doanh nghiệp đang thiếu hụt lực lượng lao động do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn lao động tỉnh ngoài chưa quay trở lại Hải Dương để tiếp tục làm việc hoặc đã tìm việc ở nơi khác, trong khi lực lượng lao động trong tỉnh không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Lao động được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Lao động được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Do thiếu lao đông nên nhiều doanh nghiệp phải tăng ca, thêm giờ làm đã dẫn đến công nhân làm việc quá tải. Và hậu quả của việc quá tải là ngừng việc tập thể. Cụ thể: Vừa qua khoảng 200 lao động của Công ty TNHH Seidensticker Việt Nam chi nhánh tại Kiến An đã ngừng việc tập thể yêu cầu chủ doanh nghiệp giải quyết một số kiến nghị cơ bản như: tăng đơn giá sản phẩm may mặc do trước đó chủ doanh nghiệp muốn cắt giảm đơn giá sản phẩm; trả lương làm thêm giờ đúng quy định nhà nước. Theo những công nhân này, do nhu cầu đơn hàng và thực hiện các quy định giãn cách phòng chống dịch bệnh, người lao động được bố trí làm việc theo nguyện vọng, được bố trí làm việc vào ngày nghỉ nhưng không được hưởng lương làm thêm giờ mà được tính cộng dồn vào giờ làm hàng tháng.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện KCN Hải Dương cho biết: Hiện nay việc thiếu lao động không chỉ là doanh nghiệp trong nước, lao động phổ thông mà nhiều doanh nghiệp FDI còn thiếu hụt nguồn lao động là các chuyên gia, nhà quản lý, nhân viên kỹ thuật... Đây là các vị trí việc làm mà nhiều người Việt Nam không đảm nhận được. 

Mặt khác, nguồn lao động khan hiếm do phải thực hiện giãn cách xã hội nên CNLĐ trong tỉnh thuộc các vùng dịch vẫn chưa đi làm trở lại. CNLĐ cũng còn tâm lý e ngại do dịch Covid-19 nên chưa có nhu cầu tìm việc gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng. 

Theo lãnh đạo Sở LĐTB và XH Hải Dương cho biết: Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Sở LĐTB và XH đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động thông tin, báo cáo nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong đó phải cụ thể mức lương, vị trí việc làm và các phúc lợi khác để người lao động tham khảo. 

 Được biết, ngày 20/3 tới, trên cơ sở thông tin nhu cầu của doanh nghiệp, sở sẽ có các phương án phối hợp với những đơn vị liên quan hỗ trợ giới thiệu, cung ứng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối với Trung tâm Việc làm các tỉnh trong cả nước để cung cấp đầy đủ các thông tin, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Qua đó người lao động sẽ tiếp cận được thông tin và tìm kiếm việc làm phù hợp. Sắp tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương sẽ tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm định kỳ; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh kết nối việc làm giữa người tìm việc và doanh nghiệp có nhu cầu thông qua website và mạng xã hội Facebook, Zalo...

Phương thức hỗ trợ các phương tiện linh hoạt trên các kênh việc làm đa dạng đó là bài giải tạm thời cho bài toán khó về thu hút lao động cho doanh nghiệp thời COVID.