Theo đại diện sở Công thương TP Hải Phòng, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị hoạt động thương mại, dịch vụ phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 5/2021 ước đạt 12.030,7 tỷ đồng, giảm 2,67% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 61.512 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, đạt 38,3% kế hoạch năm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cửa hàng kinh doanh tại một số siêu thị phải tạm dừng hoạt động

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cửa hàng kinh doanh tại các siêu thị ở Hải Phòng phải tạm dừng hoạt động

Những tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của TP Hải Phòng. Để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, TP Hải Phòng hiện chỉ cho những cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm cần thiết được hoạt động, còn hầu hết các cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ khác đều phải tạm thời đóng cửa. Điều này khiến cho việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng đã chuyển hướng kinh doanh, tập trung vào mảng kinh doanh online để duy trì hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, phụ trách kinh doanh siêu thị điện máy Ngũ Phúc, TP Hải Phòng, ngoài hình thức kinh doanh cũ thì doanh nghiệp cũng phát triển thêm mảng thương mại điện tử; thực hiện bán hàng qua các kênh như tiki, shopee. Đến thời điểm hiện tại, doanh số bán hàng từ các kênh thương mại điện tử khá khả quan.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Hải Yến, chủ siêu thị Hải Yến, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho biết, ngoài kênh kinh doanh truyền thống, chúng tôi cũng tập trung cho mảng kinh doanh online thông qua mạng xã hội như facebook, zalo. Lượng khách đặt hàng qua mạng chiếm đến 40-50%. Việc chuyển đổi hình thức bán hàng thông qua kênh online này không chỉ đảm bảo thu nhập mà nó còn góp phần phòng, chống dịch trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay.

Thực tế, đợt dịch thứ 4 bùng phát và có diễn biến phức tạp đã buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen. Nhiều người đã lựa chọn cách mua hàng qua kênh trực tuyến hoặc sàn thương mại điện tử. Và điều này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức kinh doanh, phương thức hoạt động cũng như cách tiếp cận khách hàng không phải đơn giản.

Hình thức kinh doanh online đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng rộng rãi

Hình thức kinh doanh online đang được các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh tại Hải Phòng áp dụng rộng rãi

Theo các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhận định, bán hàng online đang là xu hướng được áp dụng nhiều nhất để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay. Thực tế, các doanh nghiệp đang phải tự mình vận động để từng bước chuyển dịch cơ cấu cũng như quy trình sản xuất kinh doanh, thích ứng với tình hình mới. Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng của mình tốt hơn; đồng thời, hỗ trợ trong việc cung cấp hàng hoá đến khách hàng. Hiểu cách hẹp hơn thì chuyển đổi số chính là một trong những tác nhân, tạo động lực dẫn đến sự bùng nổ của các dịch vụ, trong đó có dịch vụ giao hàng tận nơi.

Theo ông Đào Văn Long - Giám đốc Cty TNHH Carly, một doanh nghiệp cung cấp nhiều giải pháp kinh doanh trên nền tảng công nghệ số cho biết, việc ứng dụng marketing online như một công cụ tiên tiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ngày càng phát huy vai trò trong việc tiếp cận khách hàng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như hiện nay. Việc thay đổi hay bổ sung kênh bán hàng trực tuyến là giải pháp mà doanh nghiệp có thể lựa chọn tuỳ theo tình hình thực tế của chính doanh nghiệp mình. Với các doanh nghiệp nếu chưa sử dụng thì có thể áp dụng để thử nghiệm; còn trong trường hợp những kênh bán hàng truyền thống đang gặp khó khăn, thậm chí là bị dừng hoàn toàn thì đây mở ra một hướng mới mà có lẽ là bắt buộc với những doanh nghiệp này.

Cũng theo ông Long, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc truyền thông để nhiều doanh nghiệp nắm được tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số nói chung, cũng như ứng dụng những phần mềm, tiện ích hay những công cụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, marketing. Từ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nhanh hơn các quy trình, công nghệ cũng như quản trị tốt hơn, khắc phục được khó khăn do dịch bệnh gây ra.