Theo đại diện UBND TP Hải Phòng, tính trong tháng 5 năm 2021, khối lượng hàng hoá luân chuyển trên địa bàn giảm 8,11%; khối lượng hành khách vận chuyển giảm 8,43%; khối lượng hành khách luân chuyển giảm 0,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khối lượng luân chuyển hàng hoá tăng 2,49%; khối lượng hành khách vận chuyển giảm 1,32%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,67% so với cùng kỳ.

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Hải Phòng, trong đó lĩnh vực kinh doanh vận tải chịu thiệt hại nhiều nhất. Thực tế, các doanh nghiệp vận tải hành khách và kinh doanh bến xe đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi sản lượng hành khách, lượt xe và doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng; trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải duy trì hoạt động.

Văn bản của hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Văn bản của hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, bến xe buộc phải dừng hoạt động, sản lượng hành khách sụt giảm. Doanh thu của các doanh nghiệp này giảm trung bình từ 70-80%, điều này dẫn đến thu không đủ chi.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc, lãi vay ngân hàng và các các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Do vậy, các doanh nghiệp này có nguy cơ phá sản, người lao động bị mất việc làm”, ông Hải nhấn mạnh.

Hàng loạt các doanh nghiệp vận tải đang chịu cảnh nằm bến do ảnh hưởng của đại dịch

Hàng loạt các phương tiện vận tải đang chịu cảnh nằm im tại bến do ảnh hưởng của đại dịch

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải, vừa qua hiệp hội vận tải Hải Phòng đã có kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan có những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải; các ngân hàng giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động…

Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng kiến nghị cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe được ngừng đóng (không phải đóng) BHXH đến hết năm 2021. Đối với các doanh nghiệp vận tải, bến xe còn nợ đọng BHXH, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến hết tháng 12/2021 và không tính lãi nộp chậm.

Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan cho phép doanh nghiệp vận tải hành khách được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải, bao gồm xe khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, taxi, xe vận tải khách du lịch lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành đối với các xe kiểm định từ lần thứ 2 trở đi; điều chỉnh tăng niên hạn sử dụng đối với các loại xe kinh doanh vận tải hành khách thêm 3 năm…

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn lắp camera đối với xe ô tô chở khách từ 9 chỗ ngồi trở lên theo quy định tại Nghị định số 10/2000/NĐ-CP đến ngày 31/7/2023…

Các doanh nghiệp vận tải mong muốn được hỗ trợ để duy trì hoạt động kinh doanh

Các doanh nghiệp vận tải mong muốn được hỗ trợ giảm thuế, phí... để duy trì hoạt động kinh doanh

Có thể nói, sau 4 lần dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải gần như kiệt sức. Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hành khách, kinh doanh bến xe gặp khó khăn, các doanh vận tải hàng hoá cũng lao đao vì COVID-19 và cần được hỗ trợ.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Trường - Giám đốc công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Nhân Phát cho biết, đa phần các doanh nghiệp vận tải đều phải vay vốn ngân hàng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng, hiện chỉ đủ để duy trì hoạt động và tạo điều kiện công ăn việc làm cho anh em lái xe. Doanh thu không ổn định nên công ty cũng rất khó khăn trong việc chi trả lãi vay ngân hàng. Mặc dù nhà nước đã có chính sách kêu gọi các ngân hàng giãn nợ nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa tiếp cận được.

Cũng theo ông Trường, hiện các doanh nghiệp vận tải còn phải bỏ thêm chi phí lắp camera giám sát. Điều này là không hợp lý trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19 như hiện nay. “Việc lắp camera giám sát phía công ty vẫn thực hiện nhưng đề xuất để 2-3 năm nữa, khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát”, ông Trường cho biết.

Còn theo ông Lê Văn Đông - Giám đốc công ty CP thương mại vận tải Hải Việt Anh cho biết, mặc dù chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng nhưng đến giờ công ty tôi vẫn chưa tiếp cận được. Tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, tạo điều kiện để công ty hoạt động ổn định, hàng hoá được lưu thông thuận lợi.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại và đang diễn biến hết sức phức khiến các doanh nghiệp vận tải vô cùng lao đao. Chính vì vậy, việc nhanh chóng được hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự mong đợi để có thể duy trì, phục hồi lại hoạt động.