Việc điều chỉnh hồ sơ mời thầu (HSMT) trong quá trình lựa chọn nhà thầu, là một trong những tình huống phát sinh, có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu, từ đó gia tăng tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc đấu thầu đã tạo ra tính cạnh tranh, hiệu quả hơn sau điều chỉnh HSMT.

Theo đó, HSMT được điều chỉnh khi bên mời thầu kịp thời, chủ động nhận ra những lỗi sai như: giá dự toán, hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu,... so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được chủ đầu tư phê duyệt, các lỗi về hình thức khác, hoặc các tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu hiện hành, hay xuất phát từ các kiến nghị của nhà thầu, sau khi nhận thấy HSMT xuất hiện những tiêu chí đánh giá không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành, gây hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh những mặt tích cực, điều chỉnh HSMT còn dễ dẫn đến những bất cập - Ảnh minh họa

Bên cạnh những mặt tích cực, điều chỉnh HSMT còn dễ dẫn đến những bất cập - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc điều chỉnh HSMT cũng xuất hiện không ít bất cập, “cản bước” nhà thầu.

Như tại gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa Đường tỉnh 309C đoạn Km2 - Km7 của Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, qua mạng vào tháng 7/2020. Sau gần 3 tháng phát hành HSMT, gói thầu phải gia hạn tới 5 lần, khi HSMT liên tục được điều chỉnh, tại lần gia hạn thứ 5, thời điểm mở thầu được lùi sang ngày 21/10.

Đến chiều ngày 20/10, bên mời thầu vẫn chưa đăng tải HSMT sửa đổi lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, dẫn tới nhiều nhà thầu không kịp cập nhật lại HSDT, sự việc này đã khiến không ít nhà thầu bày tỏ sự “bức xúc”, khi bỏ thời gian đeo đuổi, chờ đợi nhưng cuối cùng không mang lại kết quả.

Ngoài việc không đảm bảo quy định về thời gian như đã nêu sau khi thực hiện điều chỉnh HSMT, tình trạng HSMT sau điều chỉnh vẫn không khắc phục được các hạn chế cạnh tranh cũng khá phổ biến. Trường hợp 5 gói thầu lập đồ án quy hoạch tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh tháng 4 vừa qua là một ví dụ điển hình.

Theo đó, tại 5 gói thầu này, HSMT áp dụng đánh giá cộng thêm 2 điểm ưu tiên đối với trường hợp nhà thầu có trụ sở Công ty hoặc văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, ngay lập tức, tiêu chí này bị các nhà thầu kiến nghị lược bỏ. Thế nhưng, thay vì loại bỏ tiêu chí địa phương hóa và cơ cấu lại thang điểm đánh giá cho các nội dung khác, HSMT vẫn được điều chỉnh theo hướng gây hạn chế cạnh tranh khi giảm điểm cộng ưu tiên còn 1 điểm, thay vì 2 điểm như trước.

Theo các nhà thầu, việc điều chỉnh HSMT như đã nêu chẳng khác nào có “có cũng như không”.

Thực tế, việc điều chỉnh HSMT cũng đã tạo ra

Thực tế, việc điều chỉnh HSMT cũng đã tạo ra "rào cản" cho nhà thầu - Ảnh minh họa

Bên cạnh những hiện trạng đã nêu, việc điều chỉnh HSMT cũng tồn tại nhiều bất cập như: tình trạng hôm trước điều chỉnh HSMT, hôm sau mở thầu; điều chỉnh HSMT nhưng không thông báo cho các nhà thầu tham dự; điều chỉnh HSMT không đúng trọng tâm, hoặc sau điều chỉnh vẫn vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu;...

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, nếu việc sửa đổi HSMT được phép tiến hành tùy tiện, ví dụ ngày mai đóng thầu mà hôm nay sửa đổi HSMT thì chắc chắn nhà thầu không điều chỉnh kịp trong HSDT theo những sửa đổi của HSMT hoặc có thể gây ra sự thông đồng một cách bí mật, khó phát hiện giữa chủ đầu tư/bên mời thầu với nhà thầu nào đó tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng.

“Chẳng hạn, trong HSMT ban đầu yêu cầu cung cấp 2 thiết bị nối trực tiếp với nhau (nhưng thực chất là yêu cầu nối gián tiếp), mọi nhà thầu chuẩn bị HSDT theo phương án nối trực tiếp, trừ nhà thầu “ruột” được biết trước là HSMT sẽ thay đổi yêu cầu sang nối gián tiếp. Còn 2, 3 ngày nữa thì đóng thầu, khi đó bên mời thầu thông báo điều chỉnh yêu cầu từ nối trực tiếp (như đã công bố trong HSMT) sang nối gián tiếp thì rõ ràng các nhà thầu khác có “vắt chân lên cổ cũng không cạnh tranh được với nhà thầu “ruột”. Việc sửa đổi HSMT nếu được phép trong trường hợp này đã tạo lợi thế cho nhà thầu “ruột” thắng thầu”, các chuyên gia nêu ví dụ.

Theo Luật sư Phạm Văn Phát – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 33 Luật Đấu thầu quy định: “Trường hợp HSMT cần sửa đổi sau khi phát hành thì phải thông báo đến các nhà thầu đã nhận HSMT tối thiểu 10 ngày trước thời điểm đóng thầu”. Đây là quy định nhằm tăng thêm ý nghĩa pháp lý của HSMT, đây cũng là một biện pháp để đạt được sự công bằng, cạnh tranh giữa các nhà thầu đồng thời tăng trách nhiệm của bên mời thầu.

"Nếu không có những quy định này thì việc sửa đổi HSMT sẽ diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào, vô hình chung đã làm giảm trách nhiệm của những người tham gia lập HSMT, thẩm định, phê duyệt HSMT dễ dẫn đến những tiêu cực, tạo “rào cản” cho những nhà thầu không phải nhà thầu “ruột”, Luật sư Phát nhấn mạnh.