Ông Thọ khẳng định: Hàng không Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đứng trong nhóm 4 ASEAN về sản lượng vận chuyển, phát triển đội tàu bay và hệ thống cảng hàng không (CHK).

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá; Tổng sản lượng các cảng hàng không đạt 16,91%/năm về hành khách, 13%/năm về hàng hóa; Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không VN đạt 17,3%/năm về hành khách, 8%/năm về hàng hóa; Sản lượng điều hành bay đạt 12%/năm.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

- Trước nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam (VN) ngày một tăng cao, sân bay vừa xây xong dường như đã chật. Hiện nay nhiều tỉnh thành đang đề xuất xây dựng sân bay, như vậy liệu sẽ xảy ra tình trạng nơi thừa vẫn thừa nơi thiếu vẫn thiếu thưa ông?

Sau 9 năm triển khai thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 về Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030, vị trí, vai trò của ngành hàng không được củng cố và phát triển. Minh chứng, thị trường hàng không duy trì tốc độ phát triển cao, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả...

Tuy nhiên, với các yếu tố xuất hiện, tác động đến sự phát triển của ngành hàng không VN trong thời gian tới như, dự báo thị trường hàng không tiếp tục tăng trưởng liên tục 2 con số; nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tăng mạnh; các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về công nghệ kỹ thuật, khai thác, chất lượng,... ngày càng được nâng cấp; kế hoạch không vận của ICAO yêu cầu các quốc gia phải đổi mới toàn diện; các hãng hàng không tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua phát triển đội tàu bay hiện đại và áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không tăng cao … Vì vậy, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến 2030…

Theo đó, về quy hoạch có điều chỉnh về số lượng cảng hàng không và thời gian đưa vào khai thác hợp lý hơn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác; cải thiện giao thông kết nối liên vùng và quốc tế, quốc nội; hỗ trợ phát triển các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.

Cụ thể, đến năm 2020 từ 26 cảng hàng không (theo quy hoạch cũ) còn 23 cảng hàng không; trong đó duy trì 10 cảng hàng không quốc tế. Đến năm 2030 tăng lên 28 cảng hàng không; trong đó số lượng cảng hàng không quốc tế tăng từ 10 lên 13. Đồng thời, Quyết định 236 bổ sung các cảng hàng không (Phan Thiết, Quảng Trị, Thọ Xuân, Lai Châu) vào quy hoạch mạng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không tới các địa phương có CHK được dự báo sẽ tăng mạnh và là trọng điểm du lịch quốc gia. Ngược lại, một số CHK được đưa ra khỏi quy hoạch như: Gia Lâm, Vũng Tàu, …

- Quyết định 236 đặt ra các yêu cầu cụ thể gì, thưa ông?

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không, Quyết định 236 đã đưa ra các định hướng quy hoạch phát triển theo hướng bền vững, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đẩy mạnh lộ trình tự do hóa vận tải hàng không trên cơ sở song phương, đa phương...

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng tập trung cho phát triển thêm các đường bay theo mô hình hoạt động “điểm- điểm”; khuyến khích việc mở các chuyến bay quốc tế đi/đến các cảng hàng không có nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch…; bổ sung định hướng phát triển mạng đường bay theo mô hình vận tải đa phương thức...; điều chỉnh quy hoạch số lượng cảng hàng không khai thác; phát triển các Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không; cập nhật Kế hoạch không vận mới của ICAO; bổ sung quy hoạch về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, để đảm bảo cho ngành hàng không phát triển bền vững, Quyết định 236 đã bổ sung quy hoạch về Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xác định vai trò chủ đạo, nòng cốt của các doanh nghiệp hàng không trong từng lĩnh vực; nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành hàng không đáp ứng nhu cầu phát triển của nền công nghệ 4.0; xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành bậc cao có năng lực nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật hướng tới nền công nghiệp 4.0; xã hội hóa việc phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không; phát triển các trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; thiết lập trung tâm đào tạo phi công cơ bản…

Các nhóm nội dung, lĩnh vực chuyên ngành hàng không được quy hoạch với quan điểm phát triển đồng bộ, khoa học, thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, đảm bảo phải đáp ứng đồng thời 2 mục tiêu vừa tăng trưởng hiện đại vừa bền vững trong thời gian tới.

- Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, dư địa phát triển hàng không ở Việt Nam còn nhiều, nếu có thêm các hãng hàng không, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi. Do vậy, hiện nay khi nguồn lực đầu tư của nhà nước hạn chế thì việc tư nhân hóa đầu tư kết cấu hạ tầng của các cảng hàng không là giải pháp hiệu quả tạo sự đột phá của ngành hàng không Việt Nam. Để nhân rộng mô hình đầu tư BOT như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Bộ đã đề xuất cũng như chính sách cụ thể gì nhằm thu hút các nguồn lực?

Việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng từ nhiều năm qua, đặc biệt là sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động quản lý kinh doanh cảng hàng không. Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các tỉnh, thành cả nước kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giao thông nói chung, kết cấu hạ tầng hàng không nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định.

CHK quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của VN đầu tư theo hình thức BOT. Đặc biệt ngoài hiệu quả về đầu tư, CHK quốc tế Vân Đồn còn được đánh giá cao về quy mô, chất lượng, tiến độ, kiến trúc, công nghệ…Để nhân rộng mô hình đầu tư BOT như CHK quốc tế Vân Đồn, theo tôi, Nhà nước cần công khai danh mục đầu tư; số lượng nhà đầu tư tham gia dự án, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; ban hành các chính sách, cam kết ưu đãi lâu dài cho nhà đầu tư; cắt giảm TTHC cho các nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự án….

-Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư nhìn nhận, quy định và giấy tờ thủ tục, thời gian là những điểm nghẽn khiến họ ái ngại không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng CHK. Để xóa bỏ nỗi lo này của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có những giải pháp cụ thể gì? 

Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực kết cầu hạ tầng GTVT nói chung và kết cấu hạ tầng cảng hàng không nói riêng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản công về kết cấu hạ tầng, bảo vệ các công trình trọng điểm về an ninh quốc phòng và các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng. Thực tế, nhà ga hành khách quốc tế tại Đà Nẵng, Cam Ranh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, …đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng của các CHK, ngoài việc tham mưu, đóng góp ý kiến liên quan đến thể chế, chính sách trong đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không do Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng,… chủ trì soạn thảo, Bộ GTVT đã cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không.

Theo đó, Bộ đã rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh trong hàng không dân dụng; Sửa đổi, bổ sung Thông tư 17/2016/TT-BGTVT về quản lý khai thác cảng HKSB; Tổng kết Luật hàng không dân dụng, Nghị định 102/2015/NĐ-CP về quản lý khai thác Cảng HKSB; Xây dựng phương án quản lý tài sản kết cấu hạ tầng và văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Nghị định 44/2018/NĐ-CP. Các văn bản này, sau khi được tổng kết, sửa đổi bổ sung sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh vào kết cấu hạ tầng hàng không.

- Xin cảm ơn ông!