Tại Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra tháng 12/1986, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, một trong những điểm nhấn mới nổi bật là xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới.

những thành tựu trong 30 năm qua (kể từ khi công cuộc Đổi Mới được bắt đầu vào cuối những năm 1980) cần phải được đúc kết để đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng qua các năm từ 2005-2019. Nguồn: Tổng cục Thống kê, ĐVT: tỷ USD

Đặc biệt, qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới quy mô nền kinh tế được nâng lên.

Từ năm 1986 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng lên. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, sau đó là xuất siêu. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở thị trường trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1989 GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020 thì quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 268,4 tỷ USD. Trong khu vực ASEAN, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã đứng thứ 4. Cùng với đó, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt (năm 1985 bình quân thu nhập đầu người là 159 USD, năm 2020 ước đạt 2.750 USD). 

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tuy chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng đã thể hiện được khả năng phục hồi mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tác động của COVID-19 ở Việt Nam không nghiêm trọng như các nước khác do quốc gia này đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp chủ động ở cấp quốc gia và địa phương. Khuôn khổ kinh tế vĩ mô và tài khóa vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua”. Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt bậc, trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương với mức 2,91%, tất cả các cán cân lớn đều được đảm bảo.

Đó chính là cơ đồ, tiềm lực, vị thế mà ngày nay Việt Nam đã gây dựng được.

 
Một số lĩnh vực của dệt may Việt Nam đã áp dụng công nghệ 4.0. Nguồn: Vinatex

Một số lĩnh vực của dệt may Việt Nam đã áp dụng công nghệ 4.0. (Nguồn: Vinatex)

Thành tựu đạt được của Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã chứng tỏ năng lực sáng tạo cách mạng của Đảng ta và Nhân dân ta là vô cùng to lớn, đã mang đến cho đất nước ta một luồng sinh khí mới, một thế mới, lực mới, gia tốc mới và vận hội mới.

Với niềm tin tất yếu vào con đường đổi mới, trước thềm Xuân Tân Sửu 2020, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ có loạt bài viết điểm lại những dấu ấn quan trọng trong chặng đường đổi mới, ghi lại dấu ấn trong một hành trình phát triển của dân tộc cho đến hôm nay và những khuyến nghị chính sách cho tương lai.

Kính mời Quý độc giả đón đọc!