Diện mạo của những khu vực đô thị ven Sông Hồng như cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy sẽ có nhiều thay đổi thời gian tới.

 Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồngp/đóng vai trò “đòn bẩy” kinh tế TP Hà Nội

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đóng vai trò “đòn bẩy” kinh tế TP Hà Nội

LTS: Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vào 14h00' ngày 23/9, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức "Diễn đàn bất động sản trực tuyến: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng".

Sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô.

Đột phá kinh tế, xã hội

Với sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng, tổng hợp đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng kỳ vọng sẽ xây dựng được một Thủ đô an toàn với lũ lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử là trục trung tâm của Thủ đô với các khu dân cư ổn định có cuộc sống với chất lượng cao đồng bộ kết cấu hạ tầng với nhà ở, công trình công cộng bền vững.

Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch lần này cũng hướng đến những mục tiêu lớn khác như phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông; Phát triển hệ thống giao thông đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3 của đô thị trung tâm; Chỉnh trị đường dẫn giao thông thủy, bến cảng nhằm giảm áp lực giao thông cho nội đô, tạo động lực phát triển khu vực…

Đô thị ven sông Hồng có thể tạo nên các đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng... cho thành phố, thậm chí cả khu vực. Diện mạo của những khu vực đô thị ven Sông Hồng như cầu Nhật Tân sẽ có nhiều thay đổi, thời gian tới.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Có thể thấy việc sớm thông qua đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là rất thiết, đem lại nhiều lợi ích khi đưa sông Hồng trở thành trục không gian đô thị xanh của Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, để sớm phê duyệt được quy hoạch này thì cần sự vào cuộc thật sự đồng bộ không chỉ của Hà Nội mà của cả các Bộ ngành liên quan.

Một số thách thức lớn có thể kể đến như là việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng. Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm. Hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Giao thông thủy chưa phát huy khả năng.

Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.

Sự đồng bộ của quy hoạch phân khu sông Hồng với quy hoạch vùng Thủ đô cần nghiên cứu một cách thấu đáo những bài học của thế giới như kinh nghiệm như phát triển khu vực hai bên sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp),…

ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội:

Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô – sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế. Quy hoạch sông Hồng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Từ trước đến nay, Hà Nội đã triển khai rất nhiều các quy hoạch phân khu nhưng đến nay việc xây dựng hai bên sông Hồng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý.

Hà Nội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng từ nhiều năm nay nhưng chưa thành hiện thực. Với diện tích vùng này, Hà Nội đã có đầy đủ điều kiện để xây dựng một TP đa chức năng trong nhiều thập niên tới. Và với điều kiện đó, Hà Nội không cần phải chất tải, xây quá nhiều nhà cao tầng dọc sông Hồng nữa.