Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận chung, điều này đồng nghĩa với quan điểm về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của hai bên vẫn rất nhiều khác biệt.

"Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã có các cuộc họp tốt đẹp và mang tính xây dựng. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều cách để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và các ý tưởng thúc đẩy kinh tế", phát ngôn viên của Nhà Trắng - bà Sarah Sanders cho biết. "Tuy nhiên, các bên không đạt được thỏa thuận nào vào thời điểm này. Các đội ngũ hai nước mong đợi có thêm nhiều cuộc gặp khác trong tương lai", bà thông báo.

Taị buổi họp báo vào đầu giờ chiều nay, Tổng thống Donald Trump cho biết "tất cả đều đồng ý với nhau rằng đây không phải là thời điểm tốt để ký bất cứ điều gì". Tổng thống Donald Trump cho biết thêm, rằng ông đã có "thời gian thực sự hữu ích" trong các cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và rằng "Chúng tôi đã có một số thảo luận và lựa chọn nhưng tại thời điểm này, chúng tôi quyết định không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào". 

Phát biểu ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông vẫn lạc quan khi các bên tiếp tục gặp nhau trong vài tuần tới.

 Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh lần này không có một cái kết như nhiều người mong chờ, nhưng có nhiều quan điểm lạc quan cho rằng lập trường bình tĩnh, không nóng vội này của ông chủ Nhà Trắng là một dấu hiệu tích cực cho thấy Mỹ không vội vàng trong quá trình này, thậm chí Wasihngton đã xác định việc phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là điều không thể "một sớm một chiều", thậm chí Washington đã xác định quá trình này có thể phải mất hàng thập kỷ.

Mặc dù tại Hội nghị lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết sẽ không thử tên lửa hay phát triển hạt nhân, tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc quá trình đàm phán chưa có kết quả lần này, có thể khiến Bình Nhưỡng có thêm thời gian để phát triển kho vũ khí của mình (!?).

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kiểm tra một tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Những người hàng xóm như Nhật Bản lo lắng kho vũ khí tầm ngắn và trung bình của ông có thể còn nguyên vẹn. (KCNA / Kyodo)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kiểm tra một tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. (Ảnh: KCNA / Kyodo)

Theo ông Katsuhisa Furukawa - cựu thành viên của Ủy ban Liên Hợp Quốc giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thì dù Hội nghị lần này có đạt được kết quả hay không, thì nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo này đã “thực sự lạc hậu” trong thập kỷ qua. Nhìn lại tổng thể lịch sử của vấn đề, thì nhận định này không phải không có lý.

Theo ông Furukawa, năm 2007 đã có một thỏa thuận giữa sáu bên, bao gồm Bắc và Nam Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc - về một "kế hoạch hành động" cho giai đoạn ban đầu của quá trình phi hạt nhân hóa ban đầu. Vị chuyên gia này nhận định:"Mỹ và Triều Tiên dường như đang bị mắc kẹt ở giai đoạn cơ bản nhất của quá trình phi hạt nhân hóa”.

Không chỉ vậy, trong thời gian qua Triều Tiên đã cải thiện đáng kể khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của mình. Và giờ đây, ngay cả khi ông Kim có ra lệnh chấm dứt chương trình hạt nhân này, thì công nghệ sản xuất vũ khí của Triều Tiên cũng đã lên đến một tầm cao mới, và các thế hệ sau này dễ dàng có thể tiếp tục sự nghiệp phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, Yongbyon chỉ là một trong nhiều cơ sở trong chương trình hạt nhân và tên lửa bí mật của Triều Tiên. Đất nước này có tới khoảng 20 căn cứ tên lửa đạn đạo chưa từng được tuyên bố, bao gồm Sakkanmol, Sino-ri và Sangnam-ni.

Việc Mỹ phải tìm kiếm và phá hủy các chương trình hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) khác của Triều Tiên sẽ là một việc không hề đơn giản.

Không giống như các chương trình mới hình thành và tập trung cao độ về mặt địa lý đã bị phá hủy ở Iraq năm 1981 và ở Syria năm 2007, chương trình WMD của Triều Tiên bao gồm hàng trăm cơ sở được phân tán rộng rãi trên khắp đất nước.

Bao gồm các lò phản ứng, các cơ sở làm giàu, các địa điểm cất giữ và dự trữ đầu đạn, các điểm sản xuất vũ khí hóa học và sinh học, các điểm phóng và thử nghiệm, các sân bay, các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, và các cơ sở nghiên cứu và phát triển.

Mặc dù tình báo Mỹ đã biết địa điểm của nhiều cơ sở trong số này, nhưng các cơ sở khác - chẳng hạn như các địa điểm cất trữ tới 30 đầu đạn hạt nhân - lại được giữ bí mật hơn nhiều.

Và thậm chí trong sự kiện vốn rất không có khả năng xảy ra là Mỹ có thể tìm thấy và phá hủy chính xác toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ vẫn không thể phá hủy cơ sở kiến thức và bí quyết kỹ thuật của chương trình này.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cũng đã thay đổi dần định nghĩa của chính quyền Trump về vấn đề hạt nhân, từ yêu cầu "tháo dỡ hoàn toàn" sang "phi hạt nhân hóa được xác minh đầy đủ". Điều này làm một số nhà phân tích cho rằng, có chăng Mỹ sẽ chỉ kiểm tra các cơ sở được công khai tháo dỡ của Triều Tiên, và Nhà Trắng sẽ coi đó là một bước thắng lợi lớn của Washington?

Mặc dù Trung Quốc chắc chắn sẽ mong muốn một Triều Tiên phi hạt nhân, thì có 2 điều tồi tệ hơn nguyên trạng theo quan điểm của Trung Quốc. Trước hết là sự sụp đổ thảm khốc của chế độ Triều Tiên, dẫn tới những dòng người tị nạn khổng lồ, vũ khí hạt nhân bị buông lỏng, và tiềm năng cho sự can thiệp quân sự quy mô lớn của các cường quốc bên ngoài.

Ngoài ra, sẽ chẳng dễ chịu gì khi Trung Quốc phải chia sẻ đường biên giới dài 880 dặm (1.420 km) với một “Triều Tiên lớn” cuối cùng được thống nhất, liên minh với Mỹ và có thể sở hữu hạt nhân.

Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, việc có một Triều Tiên phụ thuộc sâu sắc, tương đối ổn định, nhìn chung thân thiện và được vũ trang hạt nhân với tư cách một “vùng đệm” giữa chính nước này và các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục là điều được ưa thích hơn so với bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào trên bán đảo. 

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử vào tháng 4 năm 2018, Bình Nhưỡng và Seoul đã thảo luận về các cách để tăng cường quan hệ kinh tế, tiến tới xây dựng một Hàn Quốc thống nhất.

Đây được xem là mục tiêu cuối cùng của hai nước. Đứng trước khả năng trên, nhiều người Hàn Quốc đã dự tính một liên minh "hai hệ thống, một quốc gia", sau đó có thể phát triển thành một Hàn Quốc thống nhất.

Việc thống nhất đất nước Triều Tiên có lẽ là một mong ước của rất nhiều người dân, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó thì hai bên cần trải qua một chặng đường dài.

Chưa kể đến những ý kiến cho rằng sau khi hai đất nước “quy về một mối”, có điều gì có thể đảm bảo rằng Hàn Quốc lại không tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa hạt nhân tại quốc gia này?

Nếu kịch bản đó xảy ra, điều này sẽ khiến Nhật Bản trở thành quốc gia duy nhất ở Đông Bắc Á không có vũ khí hạt nhân. Và kể cả khi Trump và Kim có xích lại gần nhau hơn trong những lần gặp gỡ tiếp theo và bức tranh an ninh khu vực ngày một phát triển, ai dám chắc châu Á đã bình yên?