Theo thông tin từ Cục quản lý giá – Bộ Tài chính, những tín hiệu khả quan về việc sản xuất và sử dụng rộng rãi vắc-xin COVID-19 cùng với tình hình thời tiết lạnh bất thường tại nhiều khu vực trên thế giới, việc giảm sản lượng khai thác của nhiều nước sản xuất dầu mỏ đã ảnh hưởng đến diễn biến giá xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành này. Giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua tiếp tục xu hướng tăng mạnh (giá xăng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày vừa qua tăng từ 8,02-10,37%).

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021

Theo đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước hiện cũng đã điều chỉnh tăng dù Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả các loại xăng dầu. 

Giá xăng trên thị trường trong kỳ điều hành này cụ thể tăng mạnh hơn 800đồng/lit. Đây cũng là mức đỉnh 1 năm của giá xăng. Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết nếu kỳ điều hành này không chi quỹ 2.000 đồng thì xăng E5 RON92 sẽ tăng 2.722 đồng/lít và xăng RON95 sẽ tăng 1.964 đồng/lít. Sau khi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 tăng 722 đồng/lít lên 17.031 đồng/lit; xăng RON95-III tăng 814 đồng/lit lên 18.084 đồng/lit.

Mức tăng đột biến của giá xăng dầu bán lẻ khiến thị trường nhớ lại kịch bản "điều chỉnh nhỏ giọt khi giá dầu thế giới tuột giảm nhưng luôn tăng dựng đứng khi giá dầu thế giới phục hồi" đã được áp dụng trong nhiều kỳ trước đây.

Thậm chí, không ít người nhẩm tính trên cơ sở định giá xăng dầu mà cơ quan quản lý công khai, là: Giá 1lit xăng A95 nhập về cảng là 3.827 đồng; Thuế bảo vệ môi trường 4000 đồng; Thuế nhập khẩu 765 đồng; Thuế tiêu thụ đặc biệt 383 đồng; Thuế VAT làm tròn 383 đồng; Phí kinh doanh định mức 1.050 đồng; Phí lợi nhuận định mức 300 đồng; Trích lập quỹ bình ổn 1.150 đồng; Lợi nhuận doanh nghiệp 702 đồng; Tổng cộng 12.560 đồng. Xăng A95 đã tăng 814 đồng là 18.084 đồng. Theo đó, mức chênh lệch trên 5.000 đồng /lit xăng dường như đang thể hiện sự bất hợp lý trong tính giá xăng dầu? Và nếu thực sự bất hợp lý, tiền chênh lệch này đi đâu, trong khi lượng tiêu thụ của Việt Nam lên tới 45 triệu lit?

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Văn Tuân – Phó giám đốc công ty Cổ phần xăng dầu Dầu khí Thái Bình cho biết về tổng quan, COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu khi sản lượng bình quân của doanh nghiệp giảm khoảng 30%, tương đương tháng 4 năm ngoái, dẫn đến hậu quả lỗ cao. Vì vậy các doanh nghiệp đều phải xây dựng nhiều kịch bản điều phối thị trường cũng như tiết giảm chi phí, hao hụt. Bên cạnh đó, tình hình khí hậu khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới cũng đang tác động đến nguồn cung, khiến giá xăng tăng.  "Trước diễn biến giá xăng dầu tăng, vừa qua, quỹ bình ổn xăng dầu đã phải cân nhắc và xả quỹ để bình ổn giá, một mặt hỗ trợ người tiêu dùng và mặt khác nhằm bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Các mức giá cơ sở hay giá bình ổn đều được quy định cụ thể tại Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính tính giá xăng dầu bình quân của 15 ngày để cho ra mức giá cơ sở và áp dụng các loại thuế phí cũng như mức hỗ trợ bình ổn. Điều đó hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn, vắc xin phổ biến, nguồn cung dầu trên thế giới đảm bảo, có thể giá xăng sẽ hạ nhiệt". 

Liên quan đến cách nhẩm tính giá xăng dầu để ra giá bán lẻ được niêm yết có sự chênh lệch dôi dư xa, ông Tuân cho rằng cần xác định giá xăng nhập về theo mức giá đưa ra nhẩm tính, cần xác định ở thời điểm nào. Bởi mỗi thời điểm sẽ có mỗi giá khác nhau và theo đúng quy định pháp luật, "công thức tính" hiện tại đang không tính giá từng ngày. Theo đó cũng có biến số về các mức thuế phí áp dụng thay đổi theo mức giá cơ sở. 

Trao đổi với DĐDN, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết mặc dù hiện nay nguồn xăng dầu trong nước đã đáp ứng được khoảng 80 % từ 2 nhà máy: lọc dầu Dung Quất và lọc hoá dầu Nghi Sơn, so với trước kia ở mức 30 - 40 % khi chỉ có một nhà máy. Nhưng giá xăng dầu trong nước buộc phải theo sát giá của thế giới. "Tuy nhiên giá xăng dầu mỗi một nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia đó. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc có nước giá xăng rất cao nhưng có nước giá rất thấp. Và có thể thấy thuế và phí kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam rất cao, lên đến 40%".

Theo PGS, TS lý giải, thuế và phí kinh doanh xăng dầu cao (dẫn đến giá xăng bán lẻ được điều chỉnh cao), là do chính sách tài chính của Nhà nước, mục đích của Nhà nước khi tạo một nguồn thu lớn từ hoạt động kinh doanh này. Ông Long cũng cho rằng sở dĩ cung cách quản lý, điều hành giá xăng dầu còn đi theo kịch bản "điều chỉnh nhỏ giọt", tiếng là bám sát giá xăng dầu thế giới nhưng điều chỉnh chưa hòa nhịp, đó là vì diễn biến bám sát tình hình giá cả thế giới cần đặt trong điều kiện thị trường của các nước có sự cạnh tranh thực sự.

"Tại Việt Nam vẫn còn có doanh nghiệp giữ vị trí “thống lĩnh” nên buộc nhà nước phải định giá và căn cứ giá cơ sở. Đặc biệt, Việt Nam không thể định giá theo các nước, theo từng giờ, từng ngày mà trong nước tính giá xăng dầu bán lẻ theo mức bình quân 15 ngày, so với trước kia là 30 ngày. Tới đây, Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sửa đổi sẽ chỉ tính bình quân 10 ngày, đây cũng là điều bất cập do có những thời điểm giá xăng dầu thế giới điều chỉnh nhanh và mạnh khiến việc áp dụng bình quân 15 ngày có thể không theo kịp", ông Long nói.