Lợi ích, yêu cầu về chuyển đổi số trong nông nghiệp không còn xa lạ, nhưng người nông dân, doanh nghiệp vẫn có một khoảng cách không dễ vượt qua để đem được công nghệ vào.

Rào cản của doanh nghiệp nằm ở việc thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tài chính.

Rào cản của doanh nghiệp nằm ở việc thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tài chính.

Ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ giúp việc, Thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, có những thực tiễn hay mà người nông dân có thể tiếp thu, áp dụng để nâng cao chuyển đổi số trong nông nghiệp

Ông Thành đưa ra ví dụ về một trường hợp điển hình trong ngành tôm, có mô hình rất hay ở Trà Vinh, là mô hình của anh Nguyễn Thanh Mỹ xây dựng chuỗi "Tôm đạo đức". Theo đó, vai trò dẫn dắt, hỗ trợ và tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong cả chuỗi từ quản lý, cung cấp các dịch vụ đầu vào như thức ăn, con giống, kiểm soát quá trình nuôi, dịch bệnh đều được thực hiện bài bản.

Hiện mô hình nuôi tôm theo hướng chuyển đổi số này đã được áp dụng thành công và được Tập đoàn tôm Minh Phú kết hợp triển khai tốt giữa nhà sản xuất với hàng nghìn hộ nông dân trong việc hình thành chuỗi.

Tuy nhiên, không phải người nông dân, doanh nghiệp nào cũng liên kết thực hiện được mô hình chuyển đổi số thành công như Tập đoàn Minh Phú. Báo cáo Tổng quan nông nghiệp số Việt Nam 2021 cho thấy, tỷ lệ công ty nông nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số còn thấp. Rào cản của doanh nghiệp nằm ở việc thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tài chính. Cơ sở hạ tầng về kho bãi và công nghệ chế biến của Việt Nam còn lạc hậu.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng tác động nhiều và tiêu cực đến nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Trong bối cảnh Covid-19, các giải pháp giãn cách xã hội còn làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trước thực tế này, ông Kohei Sakata, Giám đốc bộ phận Nông nghiệp Kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer nhận định, cần tập trung chế biến sâu sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường toàn cầu và nâng cao giá trị sản phẩm nuôi trồng. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ thúc đẩy công tác quản lý dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan, còn phải kể đến đóng góp của các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực này. 

Mô hình chuỗi

Mô hình chuỗi "Tôm đạo đức" được Tập đoàn tôm Minh Phú kết hợp triển khai tốt giữa nhà sản xuất với hàng nghìn hộ nông dân trong việc hình thành chuỗi. (Ảnh: Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn)

Cụ thể, để gắn kết các đối tác trong chuỗi giá trị, Bayer thiết lập khả năng tương tác trên nhiều ứng dụng, nền tảng canh tác kỹ thuật số. Thay vì thu thập dữ liệu từ một công ty hay hệ thống, Bayer phát triển giải pháp cho phép chia sẻ dữ liệu để phân tích nâng cao, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật thông tin của cả nông dân và cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp này còn xây dựng giải pháp lấy con người làm trọng tâm, phát triển trải nghiệm khách hàng, hoàn thiện ứng dụng kỹ thuật số cho nông hộ nhỏ. Theo ông Kohei Sakata, Bayer đang tìm kiếm, thiết lập quan hệ với đối tác để giải quyết khó khăn của nông dân.

"Chúng tôi sẽ mở rộng thêm quan hệ đối tác với các bên có liên quan trong hệ sinh thái của chuỗi giá trị nhằm đạt được cam kết bền vững là hỗ trợ cho 100 triệu nông hộ nhỏ vào năm 2030", ông Kohei Sakata cho hay.

Tại châu Á, Bayer cho ra mắt công cụ tư vấn kỹ thuật số FarmRise ngay trên điện thoại thông minh, hỗ trợ cho nông dân Ấn Độ trong quá trình trồng ngô và rau. Tại Trung Quốc, ứng dụng bảo vệ cây trồng với máy bay không người lái đã sẵn sàng được thương mại hóa rộng rãi. Bayer cũng đang thúc đẩy đổi mới công nghệ với các đối tác kinh doanh và kỳ vọng có thể triển khai tại Việt Nam trong tương lai.