Theo đó Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE:HAG) và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE:HNG) đã chi ra là 2.875 tỷ đồng để mua lại 2.820 tỷ đồng trái phiếu VPBank trước hạn.

Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu đến giữa năm 2021 sẽ hết nợ.

Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu đến giữa năm 2021 sẽ hết nợ.

Trong đó, HAG mua lại 1.120 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 991 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2021 và 129 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2020.

HNG mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 306,5 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2020 và 1.394 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2021.

Trái phiếu mà 2 công ty mua lại đều có tài sản đảm bảo và không chuyển đổi.

Trước đó, trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2019 về tình hình trả nợ của Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Chủ trương HAGL và HAGL Agrico là một, tôi và anh Dương (Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương) thống nhất nông nghiệp không tăng dư nợ đến 2022, mà giảm nợ, giảm 6.000 tỷ trong năm 2019 và con số cho 2020 tương tự, dự kiến giữa năm 2021 là hết nợ”.

Tại báo cáo thường niên 2018, Hoàng Anh Gia Lai nhận định "Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải". Tính đến ngày 31/12/2018, HAGL còn lỗ lũy kế hơn 36 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

Đồng thời, Tập đoàn cũng vi phạm một số điều khoản của khoản vay và trái phiếu. Kiểm toán cũng tiếp tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Theo đó, BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 của HAGL tiếp tục được lập trên giả định hoạt động liên tục, tức kiểm toán giả định Tập đoàn có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong hoạt động kinh doanh bình thường ở tương lai gần. Tính đến cuối năm qua, mặc dù có giảm, tuy nhiên nợ vay vẫn chiếm 50% tổng tài sản, nhìn chung tổng nợ vẫn cao hơn vốn chủ.

Bước sang năm 2019, HAGL xác định đây là năm bản lề quan trọng để Tập đoàn đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, Tập đoàn cho biết sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.