Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội với chương trình nghị sự gồm nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. 

Đất đai như Karl Marx nói “lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”. Đất đai quan trọng như vậy, song ở nước ta, “nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...”- như lời phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong quản lý đất đai luôn là tình trạng khá phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nó liên quan đến nhiều vấn đề, từ thể chế cho đến quá trình thực hiện chính sách, hoặc khâu phòng chống tham nhũng.

Trên thế giới, những nhà nghiên cứu chống tham nhũng đã đưa ra công thức về tham nhũng dưới dạng: Tham nhũng = Độc quyền + Độc đoán – Trách nhiệm giải trình – Minh bạch (Klitgaard Robert, 1988. Kiểm soát tham nhũng; Berkeley: Nhà xuất bản Đại học California).

Nhìn lại, khi chúng ta rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, xem xét cụ thể các yếu tố độc quyền, độc đoán, trách nhiệm giải trình và độ minh bạch có thể phát hiện được khả năng tham nhũng có thể xẩy ra và các hình thức tham nhũng có thể có.

>> Đừng để Luật Đất đai cản trở kinh tế thị trường

>> Luật Đất đai tiếp tục lỡ hẹn: Những kiến nghị sửa đổi

>> Cần phải ban hành sớm Luật Đất đai (sửa đổi)

ff

Tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ từng cho biết, tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian, hay còn gọi là “cò” đất.

Theo ông Đặng Hùng Võ, loại tham nhũng này làm trì trệ thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, cũng như đăng ký các giao dịch về bất động sản. Người dân thường phải sử dụng dịch vụ “cò”, để làm nhanh thủ tục. Loại tham nhũng này có mức độ không lớn, vì chi phí mỗi lần không cao nhưng lại phổ cập, vì gần như ở tất cả các nơi đều cần “cò” giúp hoàn thành thủ tục.

Dạng tham nhũng thứ hai thì nặng nề hơn, xảy ra trong việc thu hồi đất, giao đất. “Đó là bài toán phân chia địa tô, về đường lối chính trị và luật pháp của Việt Nam nói điều này rất rõ, tức là chúng ta phải phân phối lại tô giữa nhà nước, nhà đầu tư với người bị thu hồi đất sao cho đảm bảo công bằng, hợp lý”, ông Võ cho hay.

Nói cách khác, tham nhũng tiêu cực xảy ra khi đất được giao với giá thấp hơn, chính quyền cấp tỉnh tự định giá và tự quyết định giá trong việc nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu. Hình thức giao đất chủ yếu vẫn là giao cho nhà đầu tư được chỉ định. Bên cạnh đó, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá đất không phù hợp, khiến người bị thu hồi đất bị thất thiệt.

Ngoài ra, chính sách thuế của chúng ta cũng chưa thể điều tiết được việc đầu cơ, găm giữ đất đai, từ đó càng làm cho giá nhà đất tăng, sốt bất thường. Đặc biệt vấn đề minh bạch thông tin về thu nhập cá nhân, tài sản cá nhân với hệ thống quản lý đất đai vẫn chưa được triển khai. Chúng ta chưa thể công khai tài sản, đất đai của các cá nhân có chức quyền, lấy tiền ở đâu để mua đất…

 Dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế không mấy vui. Đó là, tiêu cực, tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn. Việc chuyển hình thức sử dụng đất với giá đền bù thấp so với giá thị trường khiến những người nông dân càng nghèo, trong khi các nhà đầu tư được lợi. Rõ ràng việc này tạo khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo.

Chính vì thế, ngay tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII lần này, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung làm rõ nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến đất đai như: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội?

Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...

Rõ ràng, phòng, chống tham nhũng trong đất đai là một nhiệm vụ rất khó khăn. Kết quả luôn phụ thuộc vào quyết tâm của bộ máy hành chính nói chung và của bộ máy quản lý đất đai nói riêng.

Giải pháp đã sẵn sàng, nhưng thiếu quyết tâm thì không giải pháp nào có thể thành tựu.