Trụ sở các làm việc Ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể tỉnh Quảng Ninh vừa được đưa vào sử dụng là công trình điển hình của mô hình đầu tư tư – sử dụng công.

p/Trụ sở làm việc Ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể tỉnh Quảng Ninh

Trụ sở làm việc Ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể tỉnh Quảng Ninh

PPP và quyết định táo bạo

Đây là công trình cao từ 12 tầng nổi và 2 tầng hầm trên diện tích khu đất 7.500m2 trên địa bàn phường Hồng Hà (TP Hạ Long) với tổng vốn đầu tư hơn 310 tỷ đồng do tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư.

Theo mô hình hợp tác công – tư, doanh nghiệp sẽ thuê đất nhà nước sau đó bỏ vốn để xây dựng trụ sở rồi cho tỉnh thuê lại. Ngân sách tỉnh chỉ chi phí bồi thường GPMB, tư vấn lập và thẩm định dự án khảo sát, thiết kế... với chi phí chưa đến 10% tổng mức đầu tư.

Công trình được thực hiện theo hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT). Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ trả tiền thuê trụ sở làm việc cho các cơ quan trong thời gian 30 năm, giá thuê do hai bên tự thỏa thuận. Sau thời gian này nhà đầu tư sẽ thực hiện chuyển giao toàn bộ công trình cho Nhà nước. Phần quản lý vận hành, bảo trì bào dưỡng... của công trình do doanh nghiệp thực hiện.

Theo ông Nguyễn Công Lệnh, Phó TGĐ Tập đoàn Hoàng Hà. mô hình này có lợi cho cả chính quyền và doanh nghiệp vì nhà nước chỉ phải đầu tư 1 phần nhỏ ngân sách còn doanh nghiệp tạo được công ăn việc làm cho cán bộ công nhân. Đặc biệt, tiến độ của công trình sẽ được thực hiện rút ngắn bằng ½ so việc đầu tư từ vốn ngân sách, giảm được thất thoát. Mặt khác, để quản lý, vận hành, bảo trì... công trình để doanh nghiệp thực hiện sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Từ năm 2013 đến năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án PPP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên 48 nghìn tỷ đồng với tổng số 42 dự án.

Tương tự, dự án trụ sở liên cơ quan số 3 của tỉnh Quảng Ninh cũng được thực hiện theo mô hình đầu tư tư – sử dụng công do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của công trình này gần 500 tỷ đồng, tuy nhiên vốn ngân sách tỉnh chỉ bỏ ra chưa đến 60 tỷ đồng cho công tác GPMB, khảo sát thiết kế,...

Trái ngược với mô hình “đầu tư tư – sử dụng công”, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP Móng Cái) là dự án triển khai theo mô hình “đầu tư công - quản lý tư” nhưng hoạt động rất hiệu quả. Công trình này do tỉnh Quảng Ninh đầu tư có giá trị hơn 100 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 16.000m2, được khởi công xây dựng năm 2009 và hoàn thành năm 2013.

Tháng 4/2014, Công ty TNHH Trí Lực được TP Móng Cái giao quản lý, khai thác dự án. Ngay sau khi được giao quản lý, Cty Trí Lực đã bổ sung các hạng mục phụ trợ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, vận hành công trình. Sau 4 năm quản lý vận hành, doanh nghiệp đã thu hút được nhiều du khách thăm quan, mang lại doanh thu cao hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi năm ngân sách tỉnh tiết kiệm hàng tỷ đồng chi quản lý, vận hành công trình.

1 vốn trong “đong” 9 vốn ngoài

Sau nhiều công trình triển khai thí điểm hiệu quả, Quảng Ninh lấy đà triển khai PPP với hàng loạt các công trình trọng điểm ở nhiều lĩnh vực như: Cầu Bạch Đằng, đường dẫn cầu Bắc Luân II, cảng hàng không Quảng Ninh, Dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn... góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo nền tảng, lực đẩy để Quảng Ninh tiếp tục có được những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói PPP góp phần quan trọng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Ninh, bình quân 1 đồng vốn ngân sách thu hút được khoảng 8, 9 đồng vốn của doanh nghiệp, tư nhân tham gia đầu tư. Điều đó cho thấy thay vì phải bỏ một lượng ngân sách để đầu tư một công trình thì tỉnh có thể dùng nguồn vốn đó để làm cùng lúc nhiều công trình khác nhau. Bởi vậy, ít có giai đoạn nào xây dựng cơ bản ở Quảng Ninh nở rộ như giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, mô hình đầu tư PPP huy động được sáng kiến, năng lực, kinh nghiệm quản lý của kinh tế tư nhân trong công tác đầu tư và quản lý; sự linh hoạt, chủ động của kinh tế tư nhân cũng góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục và thời gian đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, giảm chi phí xây dựng, chất lượng dịch vụ được cải thện, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công (như công trình sân vận động Cẩm Phả).

Ưu việt khác của mô hình đối tác công tư là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân được tham gia các công trình của tỉnh góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp. Các nhà đầu tư được tỉnh hỗ trợ từ các khâu khảo sát lập dự án đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ một phần vốn đầu tư đối với những công trình thu hồi vốn chậm để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Tuy nhiên, PPP như một mô hình “xé rào” mà Quảng Ninh cũng gặp phải không ít khó khăn. Nhiều quy định chưa có sự thống nhất nhưng lại chồng chéo; Văn bản quy phạm pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới ở mức Nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc nhiều luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu; Công tác giám sát nhà nước đối với các dự án BT, BOT chưa rõ ràng và cụ thể, dễ gây trùng lặp với công tác giám sát chất lượng công trình...