Cơ thể lúc đó như cái cây trong gió, tràn đầy dưỡng khí, máu lưu thông, các tế bào não trở nên linh hoạt, chúng liên kết trở thành những cấu trúc thần kinh hoạt động hiệu quả…

Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương với DOANH NHÂN về những tác động của hôn nhân với sức khoẻ.

- Thưa bà, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc đang có mức báo động với tỉ lệ ly hôn gia tăng khi đại dịch COVID-19 xảy ra?

Không chỉ riêng Mỹ, Trung Quốc mà tại Việt Nam cũng vậy. Có nghĩa là gia tăng tình trạng ly hôn trong đại dịch. Ngày càng nhiều gia đình gặp khủng hoảng. Giãn cách xã hội hết lần này đến lần khác, mọi người đều phải ở nhà, có rất nhiều áp lực tâm lý trùm lên các gia đình, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân.

- Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ thường tăng đột biến sau khi gia đình ở bên nhau nhiều hơn, thưa bà?

Có một số nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, xung đột trong giao tiếp.

Trước đây 24 tiếng một ngày, những người thân chỉ gặp nhau vài tiếng. Giờ thì luôn ở bên nhau. Nhà có phòng riêng thì đỡ hơn, nhà chật hẹp, mấy thế hệ sống cùng nhau thì mối quan hệ với người bạn đời càng dễ gặp xung đột.

Thứ hai, mất cân bằng tâm lý. Khi sống lâu trong một không gian đơn điệu, làm những việc lặp đi lặp lại nhàm chán, không giao tiếp với nhiều người, nhiều cảnh khác nhau, người ta cảm thấy tù túng, bí bách, dễ nổi nóng, mất cân bằng tâm lý. Va chạm và xung đột cứ thế leo thang dần khiến vợ chồng mất tôn trọng nhau, nói lời xúc phạm, giận hờn, lạnh nhạt. Từ đó tình cảm vơi dần nhanh chóng.

Thứ ba, cảm xúc sợ và lo thường trực. Các bản tin, phim tài liệu về dịch bệnh lan tràn khắp các kênh truyền thông tác động đến mỗi người. Cảm giác lo lắng cho mình, cho người thân, hoang mang trong tâm trí khiến người ta khó thể hiện ra tình thương yêu, dễ biểu hiện cảm xúc tiêu cực. Trong gia đình vì thế mà rất nhiều năng lượng tiêu cực toả ra. Điều này cũng rất dễ gây xung đột hiểu lầm.

Sự thấu hiểu, cảm thông cần được lan tỏa và hâm nóng ở mỗi gia đình trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Jany

Sự thấu hiểu, cảm thông cần được lan tỏa và hâm nóng ở mỗi gia đình trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Jany

Thứ tư, gặp khó khăn tài chính. Nhiều gia đình mất dần hoặc mất hẳn nguồn thu nhập. Nỗi lo này cũng khiến rất nhiều lứa đôi đổ những cảm xúc tiêu cực sang nhau làm cho những mâu thuẫn có sẵn càng trở nên trầm trọng hơn.

Thứ năm, giới chủ doanh nghiệp, vận hành doanh nghiệp mình trong mùa dịch thì càng gặp nhiều những áp lực lớn hơn. Bên ngoài, hoặc trên bàn phím, họ phải đỡ nhiều làn đạn đến từ mọi phía, vẫn phải tỏ ra vững vàng để tạo động lực cho nhân viên, đồng nghiệp và đối tác. Nhưng bên trong thì rối như tơ vò, tinh thần mệt mỏi suy yếu. Tất cả những áp lực ấy như quả bom nén, nó nổ tung khi bạn đời có biểu hiện hay lời nói bất như ý. Thế là mối quan hệ vợ chồng bị tổn thương ngay lập tức.

- Những tác động của hôn nhân với sức khoẻ ra sao, thưa bà?

Mối quan hệ hôn nhân hoà thuận, hạnh phúc mang đến cho con người tinh thần khoẻ mạnh, cảm xúc tích cực tràn đầy. Cơ thể lúc đó như cái cây trong gió, tràn đầy dưỡng khí, máu lưu thông, các tế bào não trở nên linh hoạt, chúng liên kết trở thành những cấu trúc thần kinh hoạt động hiệu quả. Từ đó mỗi người sẽ tạo ra nguồn nội lực mạnh mẽ để ngăn chặn bệnh dịch một cách tốt nhất.

Ngược lại, khi quan hệ vợ chồng không lành lặn, luôn có sự dày vò, trì triết hoặc bỏ rơi nhau thì sức khoẻ con người đi xuống nhanh chóng. Hệ miễn dịch vì thế mà suy giảm nghiêm trọng, nên khi bệnh dịch hoành hành khắp nơi như hiện nay thì con người khó mà đỡ được.

- Một nghiên cứu đã cho thấy hàm lượng hornone oxytocin, loại hornone được coi là có tác dụng giảm stress và cải thiện tâm trạng - đã tăng ở cả nam giới và nữ giới sau cử chỉ ôm ấp. Những cử chỉ thân mật này có phải yếu tố quan trọng giúp cân bằng, gìn giữ hôn nhân hạnh phúc, thưa bà?

Đúng như vậy. Một đôi vợ chồng nuôi dưỡng được cảm xúc yêu thương tràn đầy, thì những lúc ở bên nhau nhiều như thế này, họ luôn có cử chỉ âu yếm, vuốt ve, động chạm. Đó là một phương thức giao tiếp của tình yêu, nó có sức mạnh gắn kết vô cùng lớn trong đời sống hôn nhân.

Trong khi năng lượng tiêu cực của sự lo lắng, hoang mang luôn hiện hữu, thì những cử chỉ âu yếm ôm ấp của người bạn đời sẽ khiến họ cảm thấy được yêu thương, cảm giác yên tâm và bình an. Trong năm giác quan thì xúc giác, tức sự âu yếm vuốt ve có tác dụng kích thích nhiều nhất, mang tới cảm giác hạnh phúc rõ nét nhất.

- Các cặp vợ chồng cần làm gì để cùng nắm tay nhau tạo được năng lượng tích cực vượt qua thách thức này, thưa bà?

Đại dịch COVID-19 cũng như bất cứ thảm hoạ nào mà con người đã từng gặp phải thì trong “nguy” bao giờ cũng có “cơ”. Đầu tiên hai người cần trò chuyện, giao tiếp hiệu quả, đạt được những thoả thuận để cùng nhau thích nghi với hoàn cảnh mới. Cùng nhau rèn luyện, hướng dẫn con cái những thói quen mới. Đưa ra những trật tự mới và nghiêm túc để nó diễn ra trong gia đình mình.

Hai là chấp nhận sự có mặt của COVID-19 như một nghịch cảnh phải đối mặt. Xác định cuộc chiến này có thể sẽ còn kéo dài rất lâu. Không cho phép nó bao trùm lên hay phá huỷ mối quan hệ vợ chồng thiêng liêng. Bình tĩnh tạo dựng cuộc sống “Bình thường mới” một cách linh hoạt cho riêng gia đình mình, riêng mối quan hệ của mình, trong bối cảnh và không gian trở nên hạn chế nhà mình.

Ba là quay trở về nhìn lại giá trị cốt lõi mối quan hệ, tình cảm gốc rễ vốn có từ trong sâu thẳm trái tim mình. Lúc đó sẽ thấy lại được sự mạnh mẽ từ lúc khởi điểm của tình vợ chồng. Lấy lại bản lĩnh để không cho phép nghịch cảnh làm tổn thương mối quan hệ tình cảm quý giá ấy, mà tận dụng khó khăn để làm nó sâu sắc thêm.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!