Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, một trong những trường hợp phải kiên quyết cảnh giác, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII khi đã mắc khuyết điểm: “Nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm”.

Tương quan “nói” và “làm” là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người nói chung và cán bộ nói riêng. “Nói chín thì nên làm mười. Nói mười làm chín kẻ cười người chê” (Ca dao). “Nói nhiều, làm ít” đang là một căn bệnh phổ biến trong xã hội ta, nhất là trong giới quan chức, cán bộ, gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.

Chẳng hạn, có những cán bộ cứ đi họp suốt tháng, suốt năm vẫn chưa xong, có vị mỗi ngày nhận được 20 giấy mời họp, gồm các loại họp giao ban, họp tháo gỡ, họp quán triệt, họp kiểm điểm, họp sơ kết, họp tổng kết, họp định kỳ, họp đột xuất, họp phát động thi đua, họp quán triệt tinh thần nghị quyết cơ quan, họp bình bầu cuối năm và cả họp báo.

Nhiều cán bộ bận đến mức không có thời gian đọc báo, theo dõi thời sự, một vụ việc tiêu cực trong nội bộ cơ quan, ngành được báo chí phản ánh cũng không biết, đến khi nghe dư luận mới nháo nhào đi tìm báo để đọc. Bận đến mức… đến khi báo chí vào cuộc thì mới chống chế: "Chúng tôi chưa nghe báo cáo, chưa có thông tin, sẽ kiểm tra…v..v".

Đó là chưa nói đến việc nhiều cán bộ cấp cao bị “dính chàm” thời gian qua cũng được cho là ăn nói rất hay, hùng hồn. Thậm chí, nếu không bị điều tra suy xét vì tội tham nhũng thì dư luận chắc sẽ tôn sùng những vị cán bộ đó lắm, vì họ nói hay quá, cũng như một số việc làm được, lại là những “hạt giống đỏ”. Tất nhiên, trong những trường hợp này thì “công tội phân minh”.

Thực tế đó đặt ra câu hỏi: Vì sao có chuyện “nói nhiều, làm ít”? Rất đơn giản: Vì ít làm, nên sinh ra nói nhiều. Đó chính là bệnh quan liêu, lười biếng, vô trách nhiệm, vô cảm. Tất cả đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra.

Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ, V.I.Lênin ngay từ những ngày đầu trên cương vị lãnh đạo chính quyền cách mạng non trẻ đã cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm của những người cộng sản có liên quan đến việc lắng nghe. Đó là căn bệnh kiêu ngạo cộng sản. Bệnh kiêu ngạo cộng sản làm cán bộ quan liêu, không chịu lắng nghe, dẫn đến ấu trĩ tả khuynh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Đây là những suy tư trăn trở, phản ánh rõ nét những khuyết điểm, hạn chế, sự suy thoái và tha hóa “một bộ phận không nhỏ” trong xã hội hiện nay, đòi hỏi một sự cần thiết, cấp thiết phải đổi mới để vực dậy đất nước. Là thước đo chuẩn mực cho những ai, cho những công chức, những quan chức… thật tâm, thật lòng muốn canh tân dân tộc. 

Nhằm chấn chỉnh thực trạng này, quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” đòi hỏi phải đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải có một trong những tiêu chí là: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm”.

Yêu cầu hàng đầu được nêu ra tại Điều 3 Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” là mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: “Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.

Điều này cũng có nghĩa, cán bộ chủ chốt các cấp phải luôn bảo đảm thống nhất giữa lời nói với việc làm, đã nói là làm, làm nhiều nói ít, làm đến nơi đến chốn, làm có hiệu quả thực chất, là thiết thực góp phần xây dựng đạo đức, bồi đắp văn hóa trong Đảng.

Chỉ người lãnh đạo mang tầm quản trị mới biết quý trọng và phát huy được hết những giá trị của từng cá nhân, của cộng đồng và tập thế, biết hành động và vận dụng những quy luật khoa học đế sự phát triển đất nước bắt kịp với xu thế thời đại.

Cách duy nhất là phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo ở mọi cấp, từ cơ sở cho đến thượng tầng, phải thay đổi từ tâm thế cai trị chuyển sang tâm thế quản trị. Chứ không thể cứ duy trì mãi tình trạng “Con đường dài nhất Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức…” -  như đại biểu Vũ Tiến Lộc từng ví von.