Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí, diễn ra sáng 28/12/2020.

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Hà cho biết, tại hai Hội nghị 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020), Trung ương khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Theo ông Hà, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phục vụ công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng và đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn.

Trên cơ sở danh sách quy hoạch của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, đã được Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan từng nhân sự trước khi trình BCH Trung ương xem xét, quyết định.

"Số lượng cán bộ được quy hoạch BCH Trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khóa XII và việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng được đổi mới, hiệu quả hơn" ông Hà nói và cho biết, qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 đồng chí, giảm gần 300 so với số quy hoạch khóa XII.

Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Đối với các “nhân sự đặc biệt”, ông Hà cho biết đó là những người ngoài độ tuổi nêu trên. Cụ thể, với Uỷ viên Trung ương là quá 60 tuổi, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi. "Những trường hợp đặc biệt so với quy định chung (quá tuổi) sẽ được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, minh bạch trước khi trình Ban chấp hành Trung ương khóa XII xem xét tại hội nghị lần thứ 15 và quyết định việc giới thiệu với Đại hội XIII", ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết, ở nhiệm kỳ khóa XII, có 4 "trường hợp đặc biệt" được giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương thì 3 người trúng cử là ông Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an) và ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội. Có 1 "trường hợp đặc biệt" được giới thiệu tham gia Bộ Chính trị khóa XII và đã trúng cử. Đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.     

Liên quan đến chuẩn bị văn kiện, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, điểm mới của hầu hết các báo cáo chính trị nhiệm kỳ này là đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ đối với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng và thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn. Hầu hết các cấp uỷ đã coi trọng tổng kết thực tiễn; nghiên cứu dự thảo các văn kiện Đại hội XIII và của cấp trên để xây dựng văn kiện có tầm nhìn chiến lược hơn; nhiều nơi thể hiện ý chí khát vọng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Có thể khẳng định, bàn thảo, quyết định để bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự) luôn là nội dung đặc biệt quan trọng của mỗi kỳ đại hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Từ khi bắt đầu chuẩn bị Đại hội các cấp đến nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã có ba bài viết rất quan trọng. Ngay sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị 35 ngày 30/5/2019, chỉ sau 6 ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước có bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Bài viết thứ hai Tổng Bí thư đưa ra những chỉ đạo rất quan trọng về nhân sự, đó là “Một số điểm cần đặc biệt chú ý trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Và gần đây nhất là bài viết “Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Tất cả bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều thể hiện những nội dung rất quan trọng, cơ bản, là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của cả Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Với Đại hội Đảng XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh phải thật sự coi trọng về chất lượng. Phải làm sao xây dựng một Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước hết là một tập thể đoàn kết, thống nhất, vì Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội, nếu không đoàn kết, có sự rạn nứt thì rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, đây cũng phải là tập thể có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, như vậy mới đủ sức đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Công tác nhân sự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quán triệt phải tiến hành từng bước, từng việc một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Năm 2020 sắp đi qua với những biến động khó lường. Vượt lên nghịch cảnh, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng kế hoạch từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.