Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. DĐDN đã trao đổi với TSKH. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về nội dung này.

- Ông có kỳ vọng gì khi Thành ủy Hà Nội vừa có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phụ trách công tác này?

Có thể nói, cải tạo chung cư cũ (CCC) có ý nghĩa vô cùng quan trọng xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, tạo lập môi trường sống có chất lượng.

Với Hà Nội, chủ trương cải tạo CCC đã có từ năm 1992, nhưng vẫn chưa thực hiện được triệt để. Năm 2000, Pháp lệnh Quy hoạch thủ đô và tại Luật Thủ đô (năm 2012) cũng đã khẳng định, việc các khu CCC, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị nhưng phải tuân thủ quy định về độ cao, mật độ xây dựng, dân cư theo quy hoạch chung đã phê duyệt.

Nêu ra như vậy để thấy, cho dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cần đưa ra yêu cầu triển khai rất cụ thể để thực hiện kế hoạch đề ra.

 Chung cư cũ Bách Khoa xập xệ nhiều năm qua vẫn chưa thể cải tạo. Ảnh: Lê Sáng

Chung cư cũ Bách Khoa xập xệ nhiều năm qua vẫn chưa thể cải tạo. Ảnh: Lê Sáng

- Quyết tâm đã có, cũng đã hành động, vậy theo ông tại sao cải tạo được chung cư cũ vẫn ì ạch, thưa ông?

Từ năm 1998 Hà Nội đã thí điểm cải tạo 3 khu CCC là Kim Liên, Nguyễn Công Trứ và Văn Chương. Khi đó, chúng tôi cũng đã đi khắp các nước học hỏi kinh nghiệm về cải tạo CCC. Hà Nội cũng đã có nhiều chỉ đạo từ đền bù đất ở nơi khác, hỗ trợ tiền đến cho mua lại và thỏa thuận với người dân… nhưng vẫn xử lý được.

Về nguyên nhân của việc “ì ạch” trong cải tạo CCC thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan, tuy nhiên có thể thấy nổi lên nhất vẫn là vướng mắc chồng chéo về chính sách. Do đó, để tạo bước chuyển biến mạnh trong việc cải tạo CCC, Hà Nội cần nhận diện khách quan về khó khăn, tồn tại, bài học kinh nghiệm và phải đề xuất linh hoạt các giải pháp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

- Vậy theo ông, những trọng tâm mà Hà Nội cần tập trung trong giai đoạn tới là gì?

Theo tôi có 4 trọng tâm lớn. Thứ nhất, là để gỡ nút thắt về thể chế thì cần xem xét đến việc có một Nghị định đặc thù về cải tạo CCC tại Hà Nội. Các nội dung lớn cần giải quyết gồm: xác định vai trò của công tác cải tạo CCC, tỷ lệ các hộ dân đồng thuận, lựa chọn CĐT ra sao, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch có phân cấp cho thành phố hay không? Cơ chế tài chính ưu đãi về thuế, vốn vay, xác định cơ chế đền bù…

Thứ hai, cần phải xây dựng kế hoạch cải tạo CCC giai đoạn 2021-2025, kiểm tra, rà soát, kiểm định lại quỹ nhà chung cư hiện có cả về an toàn, chất lượng sống, vị trí… Phải xác lập tiến trình lập quy hoạch chi tiết các khu CCC do ngân sách nhà nước thực hiện để tránh lợi ích cục bộ khi lập quy hoạch.

Thứ ba, cần quy hoạch theo hướng cải tạo các khu CCC, tránh cải tạo đơn lẻ, quy gom thành một chung cư riêng, cần có điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, cần tính đến cả khu vực tái định cư, khu vực di dời và tạm cư.

Thứ tư, xác định cơ chế chính sách đền bù trong tái định cư (TĐC) và di dời trong cải tạo CCC, hỗ trợ đền bù diện tích TĐC từ 1,5-2 lần, và có cơ chế thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư hợp lý.

- Xin cảm ơn ông!