Indonesia quyết không bỏ lỡ cơ hội

Khi Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, đến thị sát khu công nghiệp KIT Batang ở Batang, trên đảo Java hôm 30-6, ông đã phát đi thông điệp mạnh mẽ mời gọi các công ty nước ngoài đến đầu tư.

Ông nói: “Chúng tôi muốn các công ty từ Trung Quốc và dĩ nhiên cả từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ và bất kỳ nơi nào khác trên thế giới đến đây. Nếu các nước khác cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất với giá 1 triệu đô la, thì chúng ta có thể ra mức giá thuê đất là 500.000 đô la”.

Tổng thống Widodo đang thị sát một khu vực đặt nhà máy của doanh nghiệp FDI

Tổng thống Widodo đang thị sát một khu vực đặt nhà máy của doanh nghiệp FDI

Lời mời gọi của ông Widodo là một phần trong cuộc vận động lớn hơn đang diễn ra khắp Đông Nam Á, nơi các nước đang đẩy mạnh các nỗ lực thu hút FDI, nhắm đến các công ty đang cân nhắc sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ khi đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung khắp Trung Quốc.

Trong 2 năm qua, các nước Đông Nam Á đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để cạnh tranh mời gọi các công ty nước ngoài di dời nhà máy của họ khỏi Trung Quốc để tránh hứng các đòn thuế của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Nhưng khi Liên hiệp quốc dự báo FDI vào các nền kinh tế mới nổi trong năm sẽ suy giảm 45% chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á đối mặt với một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn để giành được một phần của miếng bánh đang thu nhỏ đó.

Theo ông Widodo, 17 công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ, phần lớn đang hoạt động tại Trung Quốc, sẽ khởi công xây dựng nhà máy của họ tại khu công nghiệp KIT Batang với tổng vốn đầu tư 850 triệu đô la Mỹ.

LG Electronics (Hàn Quốc), Panasonic (Nhật Bản) và CDS Asia, đơn vị thành viên của Công ty sản xuất đèn năng lượng mặt trời Alpan Lighting (Mỹ) nằm trong số các công ty này.

Indonesia cũng đã nhận được cam kết đầu tư vào tỉnh Trung Java của ít nhất 17 công ty nước ngoài khác với tổng vốn đầu tư lên đến 37 tỉ đô la Mỹ.

Đây là những công ty nằm trong làn sóng doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm cách rút khỏi Trung Quốc để củng cố chuỗi cung ứng của họ giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, chi phí nhân công tăng cao ở Trung Quốc và tình trạng gián đoạn nguồn cung do tác động của đại dịch Covid-19.

Năm ngoái, 33 công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã bỏ qua Indonesia và di chuyển các nhà máy của họ đến các nước láng giềng. Kể từ đó, ông Widodo quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội như vậy một lần nữa.

Tổng thống Widodo nói: “Có 119 công ty nước ngoài có thể di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc và tôi không muốn chúng ta đánh mất dù chỉ một trong số họ. Tôi đã chỉ đạo các bộ trưởng và Giám đốc Ủy ban Điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho những nhà đầu tư đang di dời sản xuất từ Trung Quốc đến Indonesia... Tôi đã chỉ đạo giám đốc BKPM chăm sóc nhu cầu của các nhà đầu tư từ A đến Z để họ cảm thấy được phục vụ chu đáo”.

Giám đốc BKPM, Bahlil Lahadalia, cho biết các công ty nước ngoài không cần mua đất ở khu công nghiệp KIT Batang và điều này giúp họ tránh được vấn đề giải phóng mặt bằng, vốn từng là yếu tố cản trở đầu tư nước ngoài ở Indonesia”.

Bahlil Lahadalia nói: “Khu công nghiệp này sẽ cạnh tranh hơn so với các khu công nghiệp ở Việt Nam”.

Khu công nghiệp KIT Batang, nằm gần một cảng biển nước sâu và một sân bay quốc tế, thuộc sở hữu của một nhóm công ty nhà nước do Công ty Perkebunan Nusantara III đứng đầu. Công ty này sẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất dài hạn với giá rẻ. Khu công nghiệp này có quỹ đất 4.000-4.300 hecta và cho đến nay đã phát triển được 450 hecta.

Indonesia đang lên kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp vào năm 2024. Nước này cũng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% xuống còn 22% trong năm nay và 20% vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch đặt ra trước đó.

Đông Nam Á chạy đua thu hút FDI

Các nước khác trong khu vực cũng đang chạy đua tung ra các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Hôm 17-6, Ủy ban Đầu tư Thái Lan đã tán thành các chính sách ưu đãi trong ngành nông nghiệp nhằm thu hút các công ty nước ngoài chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Theo đó, những công ty nước ngoài đầu tư vào các “nhà máy trồng trọt” (trồng rau quả trong nhà) sử dụng công nghệ hiện đại sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm.

Hồi đầu tháng 6, Malaysia đồng ý miễn thuế 15 năm cho các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư mới 500 triệu ringgit (117 triệu đô la Mỹ) vào nước này.

Trong khi đó, Myanmar cho biết nước này ưu tiên xét duyệt dự án đầu tư của các công ty quốc tế có nền tảng tài chính vững mạnh. Việt Nam cũng đang đưa ra mục tiêu thu hút nhiều công ty châu Âu hơn đến đầu tư hơn nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.

Trọng tâm trong nỗ lực thu hút FDI của Đông Nam Á nằm ở mảng chăm sóc y tế sau khi đại dịch Covid-19 bộc lộ rõ sự phụ thuộc của khu vực này vào trang thiết bị y tế của Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Widodo kêu gọi các công ty thiết bị y tế Mỹ thành lập chi nhánh ở Indonesia. Nước này cũng đã ban hành các ưu đãi thuế dành cho các nhà sản xuất thiết bị y tế bắt đầu từ ngày 10-6.

Thái Lan cho biết đang cân nhắc giảm thuế cho các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực thiết bị y tế và sản xuất dược phẩm. Đây là một phần của tham vọng đưa nước này trở thành một trung tâm của khu vực về các lĩnh vực liên quan y tế.

Những nỗ lực này diễn ra khi các công ty ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang xem xét di dời chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Trong ngân sách bổ sung thông qua hồi tháng 4, Nhật Bản đã phê duyệt chi 23,5 tỉ yen (219 triệu đô la Mỹ) để trợ cấp cho các công ty nước này mở rộng hoạt động sản xuất của họ đến các nước Đông Nam Á và những nơi khác ngoài Trung Quốc.

Khi mà Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế như là một công cụ ngoại giao, các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản và Mỹ nên hợp tác với các ASEAN để thành lập các chuỗi cung ứng mới vì các lý do an ninh quốc gia.