Thêm một thương vụ của người Thái

Mới đây, theo tờ Bangkok Post đưa tin, nhà sản xuất hạt nhựa polyethylene terephthalate (PET) lớn nhất thế giới Indorama Ventures đang có dự tính mở rộng quy mô sang Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Công nghiệp Dịch vụ Thương mại Ngọc Nghĩa.

Indorama Ventures đang thực hiện thương vụ thâu tóm Nhựa Ngọc Nghĩa.

Indorama Ventures đang thực hiện thương vụ thâu tóm Nhựa Ngọc Nghĩa.

Theo hồ sơ trên thị trường chứng khoán tuần này cho thấy, Indorama Ventures đang lên kế hoạch chào mua công khai toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của Ngọc Nghĩa với số tiền lên tới 3,09 tỷ baht (92,5 triệu USD). Thương vụ dự kiến hoàn thành sớm nhất vào nửa đầu năm nay.

Trên thực tế, công ty Cổ phần Công nghiệp Dịch vụ Thương mại Ngọc Nghĩa hiện có bốn cơ sở sản xuất ở miền Bắc và miền Nam của Việt Nam với tổng công suất sản xuất 5,5 tỷ đơn vị phôi, chai và bao bì nhựa PET. Đã từ lâu, công ty là nhà cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk…

Chính vì vậy, Indorama Ventures cũng đang đánh giá cao khả năng tiếp xúc thị trường nội địa đáng kể của Ngọc Nghĩa. Qua đó, đây được coi là một lợi thế tuyệt vời cho sự thành công lâu dài của họ sau khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, thương vụ vẫn còn phải chờ đợi và thực hiện theo Luật Chứng khoán của Việt Nam, các nghị định và thông tư hướng dẫn theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là một cuộc “đột nhập” khác của các tập đoàn hàng đầu Thái Lan vào các ngành sản xuất của Việt Nam.

Hồi cuối năm 2020, TCG Solutions, một công ty con của tập đoàn công nghiệp SCG, đã thâu tóm 94% cổ phần của Công ty Bao bì Biên Hòa. Ngoài ra, một công ty con khác của tập đoàn này, SCG Packaging cũng mua lại Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân, doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về bao bì nhựa cứng. Hiện tại, tập đoàn công nghiệp SCG đã có hơn 20 công ty con tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp điện của Thái Lan bao gồm Super Energy và Banpu Power cũng đã vung tiền mua lại các tài sản ở Việt Nam với giá trị hàng chục triệu USD từ năm 2018.

Còn trong lĩnh vực bán lẻ, các tập đoàn như Central Group và TCC Group đã mua lại các doanh nghiệp bán lẻ Big C và Metro ở Việt Nam với giá hàng trăm triệu đến hơn 1 tỷ USD. Nhưng, đáng chú ý nhất phải là thương vụ mua lại Sabeco của ThaiBev vào cuối năm 2017. Tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã bỏ ra gần 5 tỷ USD để có được 53,59% cổ phần của nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam.

Bước đệm cho Indorama mở rộng thị trường

Indorama Ventures là nhà sản xuất của ngành hóa dầu trung gian, nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới. Nhưng, khởi đầu họ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất sợi len lông cừu vào năm 1994.

Indorama Ventures là nhà sản xuất của ngành hóa dầu trung gian, nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới.

Indorama Ventures là nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới.

Đến năm 1995, họ thành lập cơ sở nhựa PET đầu tiên tại Thái Lan. Tiếp đó vào năm 2003, họ mở rộng sang Bắc Mỹ bằng cách mua lại cơ sở StarPet và sang Châu Âu vào năm 2006 bằng cách thành lập một cơ sở PET trực thuộc công ty Orion Global.

Indorama trở thành công ty đại chúng vào ngày 25 tháng 9 năm 2009. Năm 2019, công ty mua lại các cơ sở tái chế ở Alabama và California, đưa mô hình kinh doanh vòng tròn khép kín vào hoạt động tại Mỹ. Tính đến năm 2021, họ là công ty dẫn đầu thị trường PET tại Mỹ, và là nhà sản xuất sợi polyester lớn nhất ở Thái Lan.

Theo như chiến lược phát triển cho đến năm 2025 của Indorama cho biết, họ sẽ tập trung vào mục đích tăng cường lợi thế về chi phí đồng thời thúc đẩy nền kinh tế luân chuyển cho PET bằng cách xây dựng các doanh nghiệp vệ tinh tái chế hàng đầu thế giới.

Indorama Ventures đang tìm kiếm động lực tăng trưởng tại Việt Nam thông qua thương vụ M&A với Ngọc Nghĩa.

Indorama đang nhắm đến thị trường tăng trưởng mạnh của Việt Nam.

Có lẽ việc nhắm đến Nhựa Ngọc Nghĩa để thâm nhập vào thị trường Việt Nam và mở rộng sang các thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã nằm trong tầm nhìn kinh doanh chiến lược của “ông lớn” Thái Lan này khi đánh giá các yếu tố và động lực tăng trưởng trong khu vực.

Dilip Kumar Agarwal, Giám đốc điều hành của Indorama Ventures trong mảng kinh doanh PET kết hợp, cho biết: “Cơ hội đầu tư này phù hợp với chiến lược kinh doanh của Indorama Ventures trong việc mở rộng dấu chân tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam”.

Rõ ràng là hiện tại, Việt Nam đang được định vị là trung tâm sản xuất của ASEAN cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, thị trường bao bì PET của Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn nữa do tiêu dùng tăng trưởng và mức sống ngày càng được cải thiện. 

Chính vì vậy, việc thâu tóm Ngọc Nghĩa có thể được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cũng là cơ hội để Indorama Ventures nhắm đến thị trường Việt Nam và xa hơn nữa là khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.