Bước đi mới của Intel

Mới đây, Intel có kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào việc xây dựng một địa điểm sản xuất chip lớn hơn 1.000 mẫu Anh bên ngoài Columbus, Ohio. Một trung tâm lớn (Mega - site) mà họ cho biết sẽ tạo ra 3.000 việc làm lâu dài trong khu vực.

Một trung tâm lớn của Intel ở Ohio, Mỹ.

Một trung tâm lớn của Intel ở Ohio, Mỹ.

Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger đã mô tả nhà máy mới là “chất xúc tác cho một vùng trung tâm Silicon” ở Ohio, nó sẽ là trung tâm nội địa mới đầu tiên của Intel sau 40 năm. Việc xây dựng hai nhà máy đầu tiên sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và sản xuất chip sẽ bắt đầu vào năm 2025. Hai nhà máy đầu tiên trị giá 20 tỷ USD và Intel có thể sẽ chi tới 100 tỷ USD cho toàn bộ địa điểm, với tám nhà máy ở đây.

Theo đó, tham vọng của Intel là xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất chất bán dẫn khác biệt. Nó giống như một thành phố nhỏ hỗ trợ một cộng đồng sôi động gồm các nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp phụ trợ. Điều này giống như một thỏi nam châm cho toàn bộ ngành công nghệ.

"Các hành động của Intel sẽ giúp xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và đảm bảo khả năng tiếp cận đáng tin cậy với các chất bán dẫn tiên tiến trong nhiều năm tới. Cách duy nhất để giải quyết rủi ro kinh tế và an ninh là tăng năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước của chúng tôi", Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết trong một cuộc họp báo với Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Có thể nói, nhà máy mới này là một động thái chiến lược của Intel sau nhiều năm rối loạn hoạt động sản xuất dưới sự lãnh đạo của Gelsinger. Công ty đã đặt quyết tâm sẽ trở lại vị thế ngày xưa, một nhà sản xuất chip dẫn đầu thế giới.

Một phần của kế hoạch bao gồm đặt cược hàng trăm tỷ đô la rằng họ có thể một lần nữa sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới và rằng họ có thể bán năng lực sản xuất của mình cho các nhà sản xuất chip hàng đầu như Nvidia và Qualcomm.

Trong khi đó, Nhà Trắng cũng cho biết thông báo này là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường sản xuất chip ở Mỹ nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt đang diễn ra và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch.

Đối với chính quyền Biden, tham vọng giành lại ngai vàng sản xuất chip của Intel nằm gọn trong các kế hoạch kinh tế và an ninh quốc gia của họ. Và tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc lấy lại khả năng sản xuất chip quan trọng trước đây đối với một bộ phận đang phát triển của nền kinh tế.

Một cuộc chạy đua?

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu gần đây đã làm nổi bật những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Và chính điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách của nước này “ăn không ngon ngủ không yên”.

Intel đang muốn tìm lại ánh hào quang của quá khứ.

Intel đang muốn tìm lại ánh hào quang của quá khứ.

Theo các chuyên gia phân tích, ước tính rằng tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2021. Các công nhân tự động của nước này đã phải đối mặt với tình trạng sản xuất ngừng hoạt động do đại dịch gián đoạn trong các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở châu Á, góp phần làm tăng giá xe hơi đối với người tiêu dùng nước Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, Intel là người dẫn đầu về công nghệ sản xuất chip điện toán nhỏ nhất, nhanh nhất. Nhưng gần đây, họ đã đánh mất ngai vàng vào tay những tay chơi mới như là TSMC và Samsung, những nhà sản xuất, gia công chip hay còn gọi là xưởng đúc. Cả hai gần đây đã nổi lên như là những thế lực mạnh mẽ khi có những công nghệ sản xuất chip tiên tiến hơn Intel.

Một dữ liệu từ Gartner cho thấy, Samsung đã giành lại vị trí dẫn đầu vào năm 2021 từ Intel lần đầu tiên kể từ năm 2018 và Intel tụt xuống vị trí thứ hai với mức tăng trưởng 0,5% vào năm ngoái, mức tăng trưởng thấp nhất trong số 25 nhà cung cấp hàng đầu.

Giờ đây, động thái này của Intel đồng nghĩa với việc họ sẽ có năng lực sản xuất lớn hơn đáng kể tại Mỹ, nơi chỉ chiếm 12% sản lượng bán dẫn toàn cầu. Kết hợp với khoản tiền 20 tỷ USD mà họ đang chi để xây dựng hai trung tâm mới ở Arizona, các khoản đầu tư này một phần nhằm giảm sự phụ thuộc của ngành công nghệ vào các nhà máy ở châu Á, chiếm 70% sản lượng chip.

Có vẻ như sau nhiều năm thất bại, Intel đã thực sự quyết tâm cho một cuộc chiến không khoan nhượng với các đối thủ cùng ngành. Liệu những nỗ lực mới của họ có thành công, tất cả còn ở phía trước…