Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021, gồm 4 chương và 21 điều, tập trung vào một số nội dung chính như: đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; xây dựng dự toán năm 2022; xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương; xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024.

Theo Bộ Tài chính, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, tác động của dịch bệnh (ảnh: vtv.vn)

Theo Bộ Tài chính, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, tác động của dịch bệnh (ảnh: vtv.vn)

Kế hoạch tăng thu ngân sách

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, để đảm bảo tính khách quan, khả thi trong xây dựng dự toán NSNN năm 2022, Thông tư đã hướng dẫn một số quy định như:

Thứ nhất, về thu NSNN, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, tác động của dịch bệnh và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số. Từ đó, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỷ lệ nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Việc thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (nếu có) được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.  

Thứ hai, về chi NSNN, đối với chi đầu tư phát triển, Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán nguồn NSNN theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp,...

Đối với chi thường xuyên NSNN năm 2022 yêu cầu quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Thứ ba, giai đoạn 3 năm 2022-2024, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, bình quân chung cả nước khoảng 8-9%/năm.

Giai đoạn này, phấn đấu tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bình quân phấn đấu khoảng 5-6%/năm. Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bình quân chung, tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Dự toán các khoản thu phí, lệ phí các năm 2022-2024 tích cực, chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định (số thu, số nộp NSNN) và chỉ tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần phí, lệ phí nộp NSNN.

Đối với các khoản thu được để lại, học phí, giá dịch vụ y tế, thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.

Giải pháp cân đối thu chi ngân sách

Theo nghiên cứu từ nhóm tác giả tại trường Đại học Hùng Vương và Học viện Chính sách và Phát triển, cân đối NSNN luôn luôn là vấn đề lớn, đó là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia. Đối với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô nhỏ nên nguồn vốn tích lũy từ nội bộ còn hạn chế.

Ở góc độ tăng thu nội địa cần khoan thư sức dân, nhằm tránh tận thu khi lực vẫn kiệt (ảnh:tapchidoanhnghiep.net.vn)

Ở góc độ tăng thu nội địa, cần khoan thư sức dân, đặc biệt trong giai đoạn sau đại dịch, nhằm tránh tận thu khi lực vẫn kiệt (ảnh:tapchidoanhnghiep.net.vn)

Bên cạnh đó, quản lý và điều hành thu - chi NSNN phải theo hướng quyết định mức thu cần có lợi cho tăng trưởng kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp phát triển và làm ăn có lãi. Chi NSNN cần thực hiện chi đúng, tạo ra bước nhảy vọt về hiệu quả. Các tỉnh cũng nên theo hướng để tiến hành thu - chi NSNN trên địa bàn một cách hợp lý.

Tiếp tục gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng mạnh quy mô kinh tế quốc gia trên cơ sở hiện đại hóa, gia tăng nhanh chóng tỷ lệ các ngành phi nông nghiệp cùng với gia tăng các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao trong tất cả các ngành và lĩnh vực gắn với tăng việc làm có thu nhập cao trên phạm vi cả nước. Nói cách khác, chuyển đổi số và kinh tế số phải được phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, trong những năm tới Việt Nam vẫn nên thực hiện “chính sách thắt lưng buộc bụng” để gia tăng nguồn ngân sách chi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp, trong đó phải có những doanh nghiệp lớn, tầm toàn cầu, phấn đấu có khoảng 10% doanh nghiệp thuộc loại lớn vào năm 2025”, nhóm nghiên cứu nêu.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh: “Để bảo đảm nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế và chống dịch, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các nguồn thu tiềm năng như: thu trên nền tảng số, thu từ tài nguyên khoáng sản, đất đai… tăng cường áp dụng các giải pháp để chống thất thu thuế như áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hạn chế trốn thuế, chuyển giá...”

Bên cạnh đó, chính sách quản lý thuế cũng được siết chặt, đặc biệt, các đối tượng được áp dụng như: trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi – giải trí, đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng…, là những lĩnh vực kinh doanh liên quan đến cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Những lĩnh vực kinh doanh này được đánh giá là có rủi ro trong quản lý doanh thu bán lẻ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ở góc độ tăng thu nội địa cần khoan thư sức dân, đặc biệt với hy vọng sau đại dịch, chính sách thu thuế của các tầng lớp, đối tượng như người cắt tóc, vá xe, hay kế hoạch thu thuế của người cho thuê nhà,... sẽ chưa vội khôi phục trở lại ngay, nhằm tránh tận thu khi lực vẫn kiệt. Đây cũng là giải pháp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế dân doanh phát triển, như định hướng phát triển mà Đảng và Nhà nước đã xác định, vừa “khoan sức dân” vừa hài hòa khát vọng tăng nguồn lực chấn hưng kinh tế.