Mới đây, Thanh tra Chính phủ đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương đối với “dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Dự thảo mới này đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận

TS Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho biết, để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn mang lại tác dụng cao, quy định mới sẽ buộc cán bộ từ giám đốc trở lên phải nộp bản kê khai về Thanh tra chính phủ và sẽ được xác minh ngẫu nhiên.

Với quy định mới này, đối tượng kê khai tài sản được sửa theo hướng phân biệt thành hai nhóm kê khai lần đầu và kê khai hàng năm.

Theo đó, nhóm kê khai lần đầu gồm tất cả cán bộ, công chức (gồm những người mới được tuyển dụng), sỹ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai tài sản, thu nhập.

Nhóm kê khai hàng năm thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân.

Dự thảo nghị định nêu rõ 13 ngạch công chức như điều tra viên, thẩm phán, thanh tra viên, kiểm tra viên ngành thuế, hải quan...; gần 90 vị trí lãnh đạo từ phó phòng trở lên trong một số lĩnh vực phải kê khai hàng năm.

Về tài sản phải kê khai sẽ bao gồm tất cả từ nhà đất, kim khí quý, đá quý, tiền bạc, cổ phiếu- trái phiếu-các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị của các loại giấy tờ có giá từ 50 triệu đồng trở lên, Tài sản ở nước ngoài ... những trường hợp phải kê khai mà không kê khai sẽ bị miễn nhiệm, giáng chức, thậm chí có thể buộc thôi việc.

Đặc biệt, theo quy định mới, Thanh tra chính phủ sẽ là cơ quan chủ động, chỉ cần có dấu hiệu kê khai không trung thực là Thanh tra chính phủ có thể vào cuộc xác minh.

Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện kê khai tài sản của cán bộ công chức luôn được đề cập khi bàn về việc phòng chống tham nhũng.  Bởi vì, chúng ta có Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó có quy định về kê khai và công khai tài sản, thu nhập – một giải pháp quan trọng.

 Song, lâu nay hiệu quả còn khiêm tốn, đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Thậm chí có người nhiều người nói quy định pháp luật rất hay, nhưng trong thực tế không chắc bao nhiêu người đã kê khai tài sản chính xác?

Nói thẳng ra, giải pháp kê khai tài sản này chưa thực sự mang lại hiệu quả vì nhiều lý do khác nhau như: Số lượng người phải kê khai tài sản nhiều nhưng việc thẩm tra xác minh lại không được các cơ quan chức năng thực hiện, trong khi chúng ta không buộc phải công khai bản kê khai này. Cán bộ công chức phải kê khai tài sản nhưng chưa buộc cán bộ có chức quyền hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng kê khai tài sản nên không kiểm soát được tài sản của họ…v..v.

Sự việc một vị quan chức dính án tham nhũng khai nhận đưa tiền hối lộ cho con gái, nhưng chính con gái vị này lại phủ nhận, buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là kẽ hở trong việc kê khai tài sản đến cả từ việc người thân của cán bộ phải kê khai tài sản thế nào.

Tức là, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là, pháp luật mới chỉ quan tâm nhiều đến việc kê khai tài sản đi vào nề nếp, đúng pháp luật mà chưa có biện pháp để bảo đảm việc kê khai đó giúp cho Nhà nước và xã hội kiểm soát được tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức. Qua đó phát hiện những dấu hiệu bất minh và có biện pháp ngăn chặn sự tẩu tán và cuối cùng là có thể thu hồi tài sản đó khi chứng minh được mối quan hệ của nó với hành vi tham nhũng.

Điều này cũng có nghĩa, công tác phòng chống tham nhũng là quan trọng, việc kê khai tài sản là việc hết sức có ý nghĩa, nhưng để làm sao cho việc kê khai tài sản trở nên minh bạch, đúng với chức năng, nhiệm vụ thì còn là một chặng đường dài. 

Và “dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” có mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không thì vẫn còn phải chờ.