>> Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trả lời Công văn số 8225/BKHĐT-PTDN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Báo cáo đã thể hiện khá toàn diện về tình hình hoạt động cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các nội dung trong Dự thảo về các nhóm chính sách hỗ trợ đã bám sát với quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 80/2012/NĐ-CP.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, VCCI đề nghị cân nhắc, xem xét một số vấn đề về kết quả triển khai Luật hỗ trợ DNNVV.

Dự thảo Báo cáo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, VCCI đề nghị cân nhắc, xem xét một số vấn đề về kết quả triển khai Luật hỗ trợ DNNVV - Ảnh minh họa: BTN

Cụ thể, theo VCCI, Báo cáo đã trình bày khá bao quát, toàn diện những hoạt động do các cơ quan Nhà nước đã thực hiện để hỗ trợ DNNVV theo quy định tại pháp luật về hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên, một vài nội dung cần được định lượng rõ hơn và cụ thể hơn để có thể đánh giá được tốt hơn tính hiệu quả của các hoạt động triển khai thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV hay tính khả thi của các quy định của pháp luật về DNNVV.

Ví dụ: Về tiếp cận tín dụng qua các tổ chức tín dụng, điểm 1.1.a Mục II Dự thảo liệt kê về các thay đổi, chuyển biến trong hoạt động cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng, nhưng lại không đưa ra các thông tin cụ thể hơn, như: bao nhiêu % tổ chức tín dụng đổi mới; thời gian thực hiện thủ tục giảm xuống bao nhiêu ngày; số lượng hồ sơ được duyệt/được hướng dẫn cụ thể; …

Về các đối tượng thụ hưởng, Dự thảo mới chỉ mang tính liệt kê các hoạt động do cơ quan Nhà nước đã triển khai mà chưa đánh giá hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng, ví dụ: về nội dung hỗ trợ mặt bằng sản xuất, không rõ bao nhiêu DNNVV tiếp cận được các mặt bằng sản xuất từ các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đây lại là một trong những khó khăn lớn của DNNVV khi hoạt động sản xuất kinh doanh.

>> Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định liên quan

VCCI cũng đề nghị bổ sung thêm các số liệu từ các tổ chức khảo sát doanh nghiệp về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV để nhận diện tính hiệu quả của chính sách - Ảnh minh họa: BCT

Hay các nội dung về hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, cũng không rõ số lượng DNNVV thụ hưởng được các biện pháp này.

VCCI cho rằng, các số liệu về các DNNVV thụ hưởng các chính sách hỗ trợ sẽ đánh giá được hiệu quả của các biện pháp này, từ đó có thể nhận diện tính khả thi, hợp lý của các chính sách hỗ trợ.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo các thông tin mang tính định lượng hơn, cụ thể hơn đối với kết quả thực hiện một số hoạt động triển khai Luật hỗ trợ DNNVV.

Bên cạnh đó, về cung cấp thông tin, đánh giá từ các điều tra, khảo sát từ đối tượng thụ hưởng, theo VCCI, nhìn chung Dự thảo xây dựng nội dung chủ yếu từ góc nhìn của các cơ quan quản lý Nhà nước (theo hướng, Nhà nước đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ gì, thông qua các chính sách gì, thực tế triển khai như thế nào, …). Góc nhìn từ đối tượng trung tâm – là các DNNVV lại chưa được phản ánh một cách đầy đủ trong Dự thảo.

Việc bổ sung thêm các thông tin, đánh giá từ đối tượng thụ hưởng – các DNNVV- có thể giúp việc đánh giá việc thực hiện các chính sách liên quan đến DNNVV được toàn diện hơn.

“Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 do VCCI công bố ngày 27/4/2022 dựa trên phản hồi của trên 10.000 doanh nghiệp tới từ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%.

Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận. Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% doanh nghiệp đã được thụ hưởng, do phần lớn DNNVV nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này. Khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong số các doanh nghiệp biết đến Luật này, chỉ 36,8% doanh nghiệp đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.

Các con số trên sẽ cung cấp góc nhìn từ các đối tượng thụ hưởng, từ đó cơ quan nhà nước sẽ đánh giá được khách quan hơn về hiệu quả chính sách của mình”, VCCI dẫn chứng và đánh giá.

Do vậy, VCCI đề nghị bổ sung thêm các số liệu từ các tổ chức khảo sát doanh nghiệp về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV để nhận diện tính hiệu quả của chính sách.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định liên quan đến: Nội dung “Hỗ trợ mặt bằng sản xuất” (điểm 1.4 mục II); Mục tiêu trong thời gian tới; Kiến nghị giải pháp thúc đẩy nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới; Việc cung cấp các thông tin của các tổ chức khác.